Dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam, nhưng theo dự kiến của Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS, tốc độ tăng trưởng của ngành nghiên cứu thị trường Việt Nam năm 2007 sẽ đạt khoảng 16%, so với mức trung bình 6% của thế giới

Cơ hội nghề nghiệp cho các chuyên viên nghiên cứu thị trường là rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Nghịch lý này dẫn đến việc nhiều bạn trẻ tuy chọn nghề nghiên cứu thị trường, nhưng vẫn còn hiểu lờ mờ về nghề nghiệp của mình.

3 “cần”

Một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi đến trụ sở của ACNielsen trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM. Bên trong yên tĩnh lạ thường. Trần Thị Minh Hà, Trợ lý Nghiên cứu Thị trường, Bộ phận Nghiên cứu Ðịnh lượng, đang lên kế hoạch cho một dự án nghiên cứu sức mạnh thương hiệu của một công ty thời trang. Những dấu đỏ nguệch ngoạc trên bảng câu hỏi gần cả trăm câu. Dù đã làm việc tại ACNielsen gần một năm, nhưng việc thiết kế một bảng câu hỏi với Hà không phải dễ dàng. Hà cho biết, câu hỏi phải rõ ràng, lường trước được những trường hợp có thể xảy ra và phải thật sự cần thiết.

Bảng câu hỏi này sau đó sẽ được Hà phổ biến tới lực lượng phỏng vấn viên, thường là các sinh viên làm việc bán thời gian. Còn Hà chỉ đứng ở vị trí giám sát. Khi bảng câu hỏi đưa về, cũng là lúc bước vào giai đoạn khó khăn nhất, đó là viết báo cáo. Dù đã có bộ phận QC (kiểm tra chất lượng) kiểm tra thông tin đầu vào, nhưng Hà phải luôn trong trạng thái nghi ngờ để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Hơn nữa, việc phân tích những thông số ra báo cáo để được khách hàng đánh giá cao cũng là điều không dễ dàng. Ðó là chưa kể một chuyên viên cùng một lúc đảm nhận 4-6 dự án, áp lực về thời gian là một điều khó tránh khỏi. Nói như Hà, nếu thiếu sự đam mê với nghề, nhiều bạn sinh viên sẽ dễ nản chí và bỏ cuộc.

Trước khi thực hiện một dự án, chuyên viên nghiên cứu thị trường phải đi phỏng vấn “tiền trạm”, xem quảng cáo, đi chợ, nói chuyện với người tiêu dùng… để thật sự hiểu khách hàng và nhận dạng những thông tin không chính xác về sau. Ðó cũng là lý do tại sao nhiều công ty, khi tuyển dụng, thường có những bài kiểm tra kiến thức về thị trường, kỹ năng marketing của ứng viên. Ðây chính là cái “cần” thứ hai của chuyên viên nghiên cứu thị trường.

Tuy nhiên, kiến thức về thị trường và niềm đam mê nghề chỉ là 2 trong 3 điều kiện cần của một chuyên viên nghiên cứu thị trường. Chị Ngân, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS, cho biết: “Ðiều đáng quan tâm nhất chính là tiếng Anh của ứng viên. Nó là điểm yếu nhất và cũng là trở ngại lớn nhất của các bạn trong việc thăng tiến sau này”.

Ngoài ra, các công ty còn tuyển chọn ứng viên theo từng mảng. Với mảng phân tích định lượng (quantitative analysis), chuyên viên nghiên cứu thị trường đòi hỏi phải có khả năng phân tích tốt, logic, thống kê… Vị trí này thường phù hợp với sinh viên của trường Ðại học Ngoại thương, Ðại học RMIT, Ðại học Kinh tế. Ðối với mảng phân tích định tính (qualitative analysis), sinh viên ngành xã hội như xã hội nhân văn, đại học sư phạm sẽ thích hợp hơn nhờ khả năng giao tiếp và thu thập thông tin tốt.

4 “được”

Tháng 9.2007, TNS vừa thực hiện một đợt tuyển dụng mới, với tỉ lệ đậu chỉ ở mức 20-25%, hầu hết là các sinh viên mới ra trường. Tại FTA, con số còn khiêm tốn hơn: chỉ 10% đạt yêu cầu. Vì số lượng ứng viên đạt yêu cầu không nhiều, nên những người đã qua vòng tuyển dụng đồng nghĩa với việc sẽ có cơ hội phát triển nhanh trong nghề dưới sự đào tạo của công ty. Ðó là cái “được” đầu tiên. Về lương bổng, ở vị trí thấp nhất của TNS là trợ lý nghiên cứu, mức lương đã là 250-300 USD. Một số công ty mới như FTA có mức lương thấp hơn, khoảng 3 triệu đồng ở vị trí tương tự. Ðây là một mức lương khá cao so với mặt bằng chung đối với sinh viên mới ra trường. Ðồng thời, với thời gian và kinh nghiệm điều phối dự án, mối quan hệ của chuyên viên nghiên cứu thị trường cũng được mở rộng.

Từ 3 cái “được” trên, dẫn đến cái “được” rất lớn là cơ hội nghề nghiệp rộng mở, cả thăng tiến trong nghề lẫn dễ dàng chọn lựa một ngành khác cho mình. Trưởng phòng một công ty nghiên cứu thị trường bày tỏ lo ngại: “Sau một thời gian làm việc tại công ty, với mối quan hệ rộng, kiến thức học được và có nhiều kinh nghiệm, các chuyên viên nghiên cứu thị trường trở nên rất sáng giá. Nhiều khách hàng làm việc trực tiếp với các bạn rồi mời luôn qua công ty họ. Vì công ty nào cũng cần một chuyên viên nội bộ song hành với việc hợp tác với một công ty nghiên cứu thị trường. Nhiều bạn làm đến những vị trí cao hơn về marketing, bán hàng.

Theo Phapluattphcm

Theo Nhịp cầu đầu tư

Thám tử kinh tế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử