Khủng hoảng các mối quan hệ gia đình và đổ vỡ trong làm ăn kinh tế dẫn đến trốn nợ đang là những điều kiện lý tưởng để nghề thám tử tư ở Nhật Bản “cất cánh”. Số lượng các công ty thám tử đang tăng đều với cấp số nhân và các loại hình dịch vụ thì hết sức phong phú.
Kanzi Simura lúc nào cũng ăn vận nghiêm chỉnh: bộ vét thẫm màu là phẳng, đôi giày da đắt tiền sáng bóng. Trông anh cứ như là vị trưởng ban của một công ty bảo hiểm nào đó. Trong phần lớn thời gian làm việc, anh chỉ la cà trong những “điểm hẹn ái tình”, với cuốn sổ tay và chiếc máy ghi hình bỏ túi. Anh thuộc khu khách sạn xây trên mặt bằng 1 km2 cho khách thuê theo giờ này như lòng bàn tay.
Simura năm nay 38 tuổi, đã có vài năm làm thám tử tư theo hợp đồng của các công ty điều tra. Công việc của anh là ghi thật rõ hình ảnh của đối tượng và người bạn tình của đối tượng tại khu “điểm hẹn ái tình”, rồi trao lại tư liệu đó cho bên đặt hàng.
Theo nhiều tài liệu, tỉ lệ ly hôn ở Nhật Bản ngày càng tăng vọt, trong vòng 13 năm trở lại đây đã gấp đôi năm 1975. Cuộc khủng hoảng những mối quan hệ gia đình chính là “đất dụng võ” của các công ty mà Simura cộng tác. Khi mối quan hệ hôn nhân truyền thống đã không còn bền vững như xưa, một bà nội trợ tầm tầm cũng có thể bỏ ra đến 200.000 yen (tương đương 1.000 bảng Anh) mỗi ngày để thu được tư liệu cần thiết về gã chồng đáng ghét.
Công ty Điều tra Galu, khai trương năm 1990 với vỏn vẹn 4 nhân viên, đến nay đã phát triển lên 800 nhân viên và trở thành một trong những công ty điều tra có quy mô lớn nhất Nhật Bản. Theo thống kê của Hiệp hội Thám tử toàn quốc Nhật Bản (NIAJ) thì hiện nay có tới hơn 10.000 công ty thám tử tư hoạt động.
Giữa một văn phòng đầy rẫy các phương tiện dùng để phát hiện sự gian dối, ông Takahisa Suenaga quản lý Galu cho biết: “Chọc tức những người thân là một trò chơi của cánh nhà giàu. Đàn ông bao giờ cũng bận bịu, nay nhờ có Internet mà họ có điều kiện nhanh chóng, dễ dàng bắt mối làm quen với những người đàn bà lãng mạn. Còn phụ nữ Nhật Bản bây giờ cũng sống cởi mở hơn. Trước đây, họ nhẫn nhịn khi biết mình bị chồng phản bội, nhưng bây giờ thẳng thắn đến nhờ cậy chúng tôi”.
Sự đổ bể của các hãng kinh doanh, những hành động “ngông cuồng” của thanh niên cũng tác động đến sự tăng trưởng của đội quân thám tử tư. Simura cho biết anh rất hay được nhờ điều tra những đối tượng choai choai. Chẳng hạn có bà mẹ nghi ngờ con gái mình lấy đâu ra tiền để sắm những bộ quần áo đắt giá trong những cửa hàng sành điệu. Bà ta tìm đến thám tử tư. Simura đã khám phá được hành tung của cô con gái mới 16 tuổi, làm điếm cho một hãng trương biển công khai là “phục hồi sức khỏe toàn bộ” nhưng kỳ thực là cung cấp “hàng sống” với giá phải chăng…
Có tới 20% tổng số hợp đồng liên quan đến việc xác định hành tung của những người được coi là mất tích. Thường đó là những chủ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải trốn nợ. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 2 triệu người đang phải nhức đầu giải quyết nợ nần. Tổng số vụ vỡ nợ trong năm 2002 là 214.600. Những hãng đã lỡ cho họ vay đành phải nhờ các thám tử tư truy lùng bằng được các “đối tác bị mất tích” của mình. Một nhân viên của Galu tâm sự: “Bắt được kẻ trốn nợ là chúng tôi vớ bở, khách hàng trả công rất khá”.
Tuy nhiên, “quy chế về hoạt động thám tử tư ở Nhật Bản đến nay vẫn chưa được thống nhất. Bất cứ người nào bước ra đường phố cũng có thể hành nghề thám tử tư. Và, những nhà thám tử chân chính đã bắt đầu phải có thái độ cảnh giác đối với “đồng nghiệp” và lo lắng cho số phận tương lai của mình” – ông Hirosi Tahara, Chủ tịch Hiệp hội Thám tử Nhật Bản, than phiền. Ông hết sức lo lắng trước tình trạng lộng hành của những “chuyên gia cắt đứt quan hệ” – số người này đang có xu hướng chuyển hóa thành một dạng nguy hiểm hơn – những “chuyên gia trả thù cá nhân”. Nhiệm vụ của họ là thực hiện những hợp đồng thuê khoán nhằm chia rẽ hai con người đang rất yêu nhau và làm cho trái tim người ta tan nát, biến đối tượng thành một kẻ cô độc, u trầm.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đệ trình một điều luật mới nhằm ngăn ngừa các hoạt động tương tự. Hy vọng việc áp dụng những quy chế cần thiết và ngăn cấm các phương pháp phản đạo đức sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Các nhân viên của Galu thì tin chắc công việc làm ăn của họ sẽ phát đạt: “Chúng tôi hoạt động trong một lĩnh vực có nhu cầu ngày càng tăng. Các khách hàng của chúng tôi ở độ tuổi 30-40 và thường có những mối quan hệ ngoài hôn thú. Kinh tế Nhật Bản ngày một suy thoái, điều đó có nghĩa sẽ xuất hiện thêm nhiều người trốn nợ. Những trường hợp sử dụng bạo lực trên giường và trong gia đình ngày một thường xuyên trong khi cảnh sát không muốn nhúng tay vào những chuyện đó. Con người phải chịu đau khổ do chính những việc làm của mình và họ còn cần đến chúng tôi…”
Nguyên Đăng (theo Independent)
Theo CAND
Thám tử VDT