Đối tượng Hùng quan tâm tiếp là ông Học, phó văn phòng của ông Chương – một người có thể có tham vọng giữ chức trưởng văn phòng và muốn ông Chương về Nam càng sớm càng tốt.
Theo đánh giá của ông Chương, ông Học là người nhu mì hiền lành. Hai người có mối quan hệ thân tình nhiều năm trước và chưa thất thố với nhau điều gì. Thông tin công ty sẽ bố trí ông Chương về Nam và đưa ông Học lên thay chức trưởng văn phòng ông Học có biết, tuy nhiên ông không tỏ ra sốt sắng hay quá mong đợi điều này.
Hơn nữa, trong công ty tư nhân, việc thăng chức phó lên trưởng không thay đổi nhiều về quyền và lợi. Ông Học sống tại văn phòng, đã có vợ và hai con trong miền Nam. Khi ra Hà Nội làm việc ông cũng có một cô bồ… Qua những thông tin này, Hùng cho rằng khả năng ông Học là thủ phạm rất mơ hồ. Người đáng nói còn lại là tình nhân của ông Chương.
Thiên duyên
Ông Chương kể năm đầu tiên từ Sài Gòn ra Hà Nội, ông bơ vơ trong xa lạ và buồn tẻ. Một tối mùa đông, ông Chương thấy một cô gái trẻ bị đám đông giữ lại vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Đám đông cho biết một em nhỏ đang đi trên đường bị xe xô ngã bất tỉnh. Người gần đó nhìn thấy cô gái này đang đỡ em bé đó dậy.
Cô gái nói thủ phạm đã bỏ chạy, cô chỉ là người vực giúp cháu bé. Đám đông không tin và tạm thời đòi giữ cô lại để xác minh. Cô gái khóc và nói cô đang trên đường đến thăm bố ở bệnh viện, ông có thể không qua khỏi đêm nay, cô cần được ở bên ông trong giờ phút này… Không ai tin cô và cô cũng không đem theo giấy tờ tùy thân…
Nhìn cô gái xinh xắn, yếu đuối và tội nghiệp, ông Chương không đành dời bước. Ông thương lượng để lại xe máy, giấy tờ xe, chứng minh thư, điện thoại, địa chỉ… của ông và viết giấy bảo lãnh cho cô gái đến viện với bố rồi sẽ quay lại giải quyết sau. Ông gọi taxi và cùng cô gái đến bệnh viện.
Thật tội nghiệp, bố cô đã tắt thở trước đó 30 phút trong cảnh cô độc trên giường bệnh. Kim (tên cô) về quê mai táng bố rồi quay lại Hà Nội giải quyết vụ tai nạn giao thông. Kim được minh oan, giấy tờ, xe máy của ông Chương lúc đó mới được trả. Cúi gương mặt xanh rớt, Kim lí nhí lời cảm ơn và rụt rè biếu ân nhân một bọc trứng gà. Có lẽ đó là thứ tài sản lớn nhất của cô lúc đó.
Ngồi bên nhau trong hàng nước, Kim cho biết quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhà Kim nghèo, bố ốm nặng phải nằm viện Hà Nội. Kim xuống Hà Nội vừa chăm bố, vừa kiếm việc làm thuê. Nay bố mất, ông chủ đã cho Kim nghỉ việc. Kim chưa biết đi đâu, làm gì vì ở quê cũng không còn vườn ruộng… Ông Chương hứa sẽ tìm cho Kim một việc làm và một căn nhà trọ ở Hà Nội. Ba ngày sau ông đã thực hiện được điều đó.
Đi làm được mấy buổi thì Kim ốm. Người quen duy nhất của cô chính là ông Chương. Hoàn cảnh đã biến ông thành người thân thiết của Kim. Tình cảm hai người nảy sinh nhanh chóng và thành đôi tình nhân lúc nào chẳng biết. Ông Chương quyết định mua căn nhà đang ở hiện nay, dọn khỏi văn phòng và đưa Kim đến sống cùng. Ông chu cấp cho Kim học tiếng Anh, vi tính và nay là trung cấp kế toán để sau này ông sẽ xin việc cho cô.
Ông Chương chưa từng về quê Kim và cũng không biết người thân nào của Kim ngoài bố cô đã mất. Tuy sống cùng nhau nhưng ông Chương cũng không hiểu nhiều về lai lịch Kim bởi khác nhau về phong tục, tính cách và công việc; lại chênh lệch quá nhiều về tuổi tác, trình độ nên ông càng ít hiểu Kim. Ông Chương cho biết khi mua nhà ông chỉ làm giấy tờ viết tay và tờ giấy đó ông đưa Kim giữ hộ.
Hùng giả định Kim là người chủ mưu khủng bố ông Chương và giữ chặt tờ giấy mua bán nhà để từng bước chiếm đoạt hoặc mua rẻ ngôi nhà này. Nếu điều đó là thật thì có ba khả năng: cô ta tự làm; người yêu cũ của cô làm (Kim có thể đồng lõa hoặc không) và thứ ba là Kim kết hợp với ông hàng xóm… Tuy nhiên khả năng thứ ba đã bị loại sau khi Hùng dùng “thuốc thử” với nhà hàng xóm. Để đánh giá chính xác hơn, Hùng cần biết tường tận thái độ của Kim trước chuyện ông Chương bị khủng bố, đe dọa.
Người đẹp trước những cuộc khủng bố
Ông Chương kể: lần bị kẻ khủng bố giáp mặt là buổi chiều tối khi ông đi làm về. Đang đi bộ từ đầu ngõ vào thì ông thấy tên khủng bố ngồi đợi trên chiếc xe máy ở đối diện cửa nhà ông, lúc đó mới nổ máy, bật đèn phóng ngược đến chỗ ông.
Nghiên cứu bản vẽ và thị sát thực địa, Hùng nhận thấy một chi tiết khác lạ: theo tâm lý bình thường thì kẻ muốn làm hại bạn không phải tại chính nhà bạn thì hắn sẽ không đợi bạn ở đối diện nhà bạn, bởi chắc chắn tâm lý hắn sẽ không yên tâm, sợ nhớ mặt… Nhất là hôm đó Kim đang ở trong nhà và vẫn mở cửa. Có mối liên hệ giữa kẻ khủng bố và Kim?
Tuy nhiên Hùng không để lộ nghi vấn này với ông Chương vì ba lý do: nếu Kim trong sạch thì sự tiết lộ của Hùng sẽ làm rạn nứt tình cảm ông Chương với Kim khiến Kim hàm oan; nếu Kim là thủ phạm thì điều đó sẽ đánh động đến cô khiến cô dễ bề giấu mình; và thứ ba, cho dù ông Chương giấu được Kim thì ông cũng bị tác động mạnh khiến những nhận định, suy đoán và thông tin của ông sau này sẽ kém khách quan. Đành khai thác tiếp.
Lần thứ hai ông Chương bị khủng bố là chiều chủ nhật, ông và Kim cùng ở nhà. Chuông điện thoại cố định reo, Kim nhấc máy, sau đó kêu ông có người cần gặp. Ông Chương vừa alô thì giọng đàn ông đầu dây bên kia quát: “Mày phải cút khỏi Hà Nội ngay!” rồi dập máy. Ông Chương nghe xong không nói gì với Kim. Chắc Kim đoán có chuyện không hay nên gặng hỏi nhưng ông Chương không tiết lộ.
Lúc sau ông Chương hỏi Kim: “Những lúc anh đi vắng có ai gọi điện cho anh không?”. “Em không thấy. Có chuyện gì vậy anh?”. “Không có gì. Anh chỉ ngại bạn hàng không biết số di động của anh nên gọi về đây. Nếu anh đi vắng, có ai hỏi anh, em cứ nói để lại địa chỉ, điện thoại anh liên hệ lại chứ đừng nói gì hết!”. “Vâng ạ!”.
Kim có vẻ rất lo lắng cho ông. Câu chuyện lần này lại cho Hùng thấy khác lần trước. Nếu Kim là người đạo diễn chuyện khủng bố thì chắc chắn cô ta không chủ động nhấc điện thoại mà để ông Chương nhấc. Vậy Kim trong sáng?
Các lần khủng bố bằng giấy nhét qua khe cửa đều là ông Chương nhận được vì chúng thường nhét từ đêm trước, sáng ông dậy sớm tập thể dục nên thấy và giấu Kim cất đi. Lần đầu tiên bọn chúng gửi qua bưu điện thì thư đến đúng lúc ông và Kim cùng ở nhà. Nhận thư, Kim kêu lạ vì thư không đề họ của người nhận mà chỉ ghi tên.
Một phần không ngờ chúng chuyển hướng, một phần không muốn để Kim nghi ngờ chuyện tình cảm nên ông nói: “Thôi, em cứ bóc ra xem! Nếu người ta nhầm thì cũng phải bóc mới biết chứ!”. Kim bóc ra, đọc xong dòng chữ đe dọa, cô tái mặt lộ vẻ hốt hoảng. Thái độ không thể là đóng kịch được. Hùng nhận định theo cả hai hướng tốt và xấu đều có cơ sở.
Hướng tốt: cũng như lần trước, nếu Kim chủ mưu thì cô sẽ không bóc thư, không thắc mắc chuyện thư không viết họ người nhận. Thái độ hốt hoảng là không thể đóng kịch vì dù sao Kim cũng là một cô gái trẻ, nhà quê, không thể “cáo già” đến mức ấy. Hướng xấu: có thể Kim không ngờ kẻ đồng lõa (tạm cho là bồ của Kim) đã tự tiến hành chiêu thức này nên chính cô cũng lo lắng…
Sau đó thì liên tục có thư khủng bố gửi về nhà. Ông Chương cũng không giấu Kim nữa…
Cho dù rất mực yêu chiều Kim nhưng vì sự thật thì “bất vị thân” nên ngày mai ông Hùng vẫn phải nín thở để dành cho Kim một liều “thuốc thử”.
TRÂM ANH
Theo Tuoitre
Công ty thám tử tại Hà Nội