Thám tử hà nội – Những ai quan tâm đến lịch sử văn học VN hiện đại từ đầu thế kỷ 20 hẳn đã biết đến cái tên nhà văn Phạm Cao Củng gắn với thể loại tiểu thuyết trinh thám và nhân vật thám tử Kỳ Phát.
Sách do Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: N.C.T.
Văn học VN khi nhập vào dòng chảy hiện đại của văn học thế giới là đã tiếp nhận các thể loại mới chưa từng có trong truyền thống, cụ thể là thơ mới, tiểu thuyết và kịch nói. Và với quy luật phát triển gia tốc của một thời kỳ lịch sử nhất định, ngay trong một thể loại như tiểu thuyết thì các nhà văn VN cũng đã nhanh chóng đi theo nhiều phân loại khác nhau như tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết luân lý, tiểu thuyết trinh thám…
Phạm Cao Củng được gắn tên mình vào thể loại tiểu thuyết trinh thám như một nhà văn chuyên nghiệp, như một người mở đầu.
Ông sinh tháng 10-1913 tại Nam Ðịnh. Học hết bốn năm thành chung, ông vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (thường gọi là Trường Bách nghệ) nhưng bỏ dở để đi làm báo, viết văn. Bước đầu sự nghiệp của ông là viết truyện trinh thám, kiếm hiệp, mạo hiểm kỳ tình… cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Hải Phòng) với các bút danh Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì. Ðồng thời ông còn viết cho các báo Loa, Phong Hóa, Ngày Nay ký tên là Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao…
Ông đã có thời kỳ làm ở Sở Công an Bắc Việt của Chính phủ Việt Minh và tham gia kháng chiến chống Pháp cho đến cuối năm 1950 về thành. Năm 1954 ông di cư vào Nam, tiếp tục làm báo viết văn, ra báo, mở nhà xuất bản. Năm 1975 ông sang Mỹ, hiện sống ở bang Florida.
Cuốn hồi ký Phạm Cao Củng được nhà văn viết dần trong nhiều năm và dừng lại ngày 31-3-1999. Năm nay ông tròn 100 tuổi ta và độc giả được biết đến cuộc đời của một nhà văn đi trọn một thế kỷ với những bước đầu của nền báo chí văn chương hiện đại, với những thăng trầm lịch sử thời cuộc.
Cảm tưởng đọc sách như nghe ông lão trăm tuổi kể chuyện hồn nhiên, chân thật, từ tuổi 15 đã được cấp thẻ phóng viên thể thao, từ đang học thành chung đã cùng một người bạn ra tập truyện ngắn in xong không bán được, nợ tiền nhà in, rốt cục bố mẹ phải trả, từ nhân vật Kỳ Phát có nguyên mẫu là một người bạn nhỏ tuổi cùng học Trường Bách nghệ, từ nhà văn viết truyện trinh thám mà được mời vào phòng phản gián của Công an Việt Minh điều tra thành công một số vụ án, cho đến cả những chuyện tình ái riêng tư với nhiều phụ nữ.
Người đọc sẽ cảm nhận được ý chí, nghị lực của một con người biết tạo lập cuộc sống của mình, quá trình của một nhà văn biết xây dựng sự nghiệp của mình. Nhà văn học sử sẽ có thêm được những tư liệu đáng tin cậy từ hồi ức của một người trong cuộc để dựng lại bức tranh văn học sử hiện đại thời kỳ đầu.
Cho đến nay văn học hiện đại VN đã có hơn trăm năm hình thành và phát triển, nhưng riêng thể loại tiểu thuyết trinh thám thì dường như ít được tiếp tục và tiếp nối. Ðiều tâm niệm của nhà văn Phạm Cao Củng khi bắt tay vào viết thể loại này được ông gửi lại trong hồi ký cho thế hệ nhà văn sau: “Luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội VN, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn VN”.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Thám tử VDT