Thám tử, thám tử tư – Trong đời sống hiện đại, nhu cầu thuê thám tử đang ngày càng nhiều, nhất là ở những đô thị lớn. Giữa ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, có rất nhiều những thám tử tư vẫn ngày đêm rong ruổi trên khắp các nẻo đường đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân.
Theo chân thám tử
Một luật sư tại Hà Nội cho biết, một phần nhỏ công việc của các thám tử ở Việt Nam hiện nay là làm vệ sỹ, truy tìm người mất tích, tìm ra thông tin cho những vụ tố tụng dân sự nhưng chủ yếu công việc của họ là theo dõi đối tượng. Những đối tượng ở đây có thể là đối tác trong kinh doanh của thân chủ, những người sắp trở thành bạn đời của thân chủ hoặc con cái chưa đến tuổi vị thành niên, theo dõi vợ – chồng có dấu hiệu ngoại tình… Do đặc điểm nghề nghiệp, hầu hết thám tử tại Việt Nam là những người trẻ tuổi, có khả năng sử dụng tốt những thiết bị công nghệ hiện đại và tư duy nhanh nhạy để có thể hoạt động, ứng biến trong những tình huống mà công việc đề ra.
Thám tử tư phải có sức khỏe để có thể chờ đợi và theo dõi đối tượng 24/24h. Một số khác có võ thuật để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ thân chủ và đảm bảo sự an toàn của bản thân khi theo gót những đối tượng… nguy hiểm. Không có giấy chứng nhận, công cụ hỗ trợ, công việc luôn đòi hỏi phiêu lưu, thông minh, bản lĩnh và sẵn sàng chấp nhận tai nạn nghề nghiệp. Đó là chân dung những người làm nghề thám tử. Họ kiếm sống bằng mồ hôi, thậm chí bằng máu của mình. Có thời gian khá dài theo chân các thám tử, PV được tận mắt chứng kiến những chuyện bi hài và vô cùng ly kỳ hấp dẫn của nghề đặc biệt này.
“Hành nghề” và những tình huống thót tim
“Việc theo dõi các cậu ấm cô chiêu như Thúy L. là việc hết sức đơn giản, chỉ mất công, không mất sức và không có nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, có rất nhiều vụ khác, chúng tôi đã gặp tai nạn và ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của bản thân”, thám tử Hoàng Hà cho biết. Còn luật sư Việt lại nói: “Với nghề này, rất nhiều tai nạn không mong muốn đã xảy ra đối với các thám tử. Có lần, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ một phụ nữ đang bị người tình cũ đe dọa tính mạng. Khi xác định tình hình khá nghiêm trọng, công ty phải cử một nhân viên cao to, biết võ thuật tháp tùng người phụ nữ này đi làm, chiều đón về với vai trò người yêu mới. Trong một lần đưa “người yêu” đi làm, thám tử đã bị người đàn ông và một nhóm giang hồ đuổi theo. Rất may, nhờ nhanh trí xử lý tình huống, thám tử thoát hiểm đồng thời bảo vệ được thân chủ”.
Thám tử Hoàng Hà cũng cho biết, anh từng nhiều phen nếm mùi nguy hiểm khi bám theo các đối tượng giang hồ trong những vụ làm ăn phi pháp. Anh tâm sự: “Nếu xảy ra tai nạn nghề nghiệp thì chỉ thiệt thân vì ngoài việc tự bảo vệ mình thì chẳng ai lo, chẳng ai bảo vệ mình. Trong công ty, có thám tử đã từng bị một ông chồng có máu giang hồ đánh một trận thừa sống thiếu chết”. Về những tai nạn trong nghề thám tử, luật sư Việt cho rằng: “Pháp luật chưa có những quy định cụ thể và nghề thám tử cũng chưa được công nhận một cách chính đáng. Trong hợp đồng ghi với đối tác, chúng tôi cũng chỉ ghi là hợp đồng dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin. Các thám tử phải luôn đề cao cảnh giác và tự trang bị những công cụ làm việc và bảo vệ thân thể một cách tốt nhất trước những sự cố tồi tệ đến ngoài ý muốn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nghề thám tử tuy có nhiều nguy hiểm nhưng cho thu nhập tương đối cao. Nhiều trường hợp thám tử theo đối tượng vào vũ trường hoặc những chốn ăn chơi thì được thanh toán thêm các khoản chi phí phát sinh. Hiện giá thuê thám tử ở Hà Nội thường ở các mức: Theo dõi đối tượng và cung cấp thông tin (ngoại tình, con cái, nhân viên) 1,2 – 1,5 triệu đồng/ngày hoặc trọn gói 25 – 40 triệu đồng/1 vụ tùy mức độ khó dễ. Theo dõi, tìm hiểu và lấy thông tin từ đối tác kinh doanh 50 – 70 triệu đồng /1 vụ (thậm chí có nhiều vụ lên đến vài trăm triệu nếu thành công)… Còn nếu muốn có những chứng cứ như thu âm, chụp ảnh, quay phim thì giá sẽ cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Trong những trường hợp đó, thám tử có trách nhiệm gửi lại bản báo cáo chi tiết xem đương sự đã đến chỗ nào, bao nhiêu lần một tháng, mỗi lần bao nhiêu lâu. Tất nhiên, sẽ có thêm các khoản phát sinh nếu cần người đi cùng khi bắt quả tang hoặc vào những nơi nguy hiểm thám tử Thuyết chia sẻ.
Hiện có rất nhiều công ty, nhóm thám tử tư Hà Nội và các thành phố lớn đang hoạt động dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Do không chính thức được cấp phép hoạt động và có sự quản lý, thống nhất, nên rất nhiều công ty, nhóm theo nghề thám tử tư hiện nay hoạt động theo kiểu tự phát. Một gia đình đang đau đầu vì quý tử, một lãnh đạo công ty nghi ngờ nhân viên của mình khuất tất, một anh chồng nghi ngờ vợ ngoại tình, một doanh nghiệp đang cạnh tranh muốn có thông tin của đối thủ. Khi có chuyện mà không thể đường đường chính chính tìm hiểu được, người ta tìm đến các dịch vụ thám tử. Chính nhu cầu đa dạng ấy biến bất cứ ai cũng có thể trở thành thám tử. Tuy nhiên, có những thám tử tư có nghề hơn, họ nguyên là sĩ quan an ninh, cảnh sát hình sự, luật sư, nhà xã hội học, tâm lý học và có trình độ, nghiệp vụ về trinh sát, điều tra… Nhưng cũng có nhiều thám tử chỉ là dân tay ngang, thấy công việc này đang dễ kiếm ăn nên cũng liều mình như chẳng có thành thám tử! Đáng lưu ý nhất trong số này là những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, xe ôm, nhân viên văn phòng,…
Pháp luật hiện hành quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Theo Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do cá nhân của tổ chức, cá nhân.
Theo Hoàng Sa (Người đưa tin)