Chỉ trong vòng một tuần lễ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2009, TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử đến ba vụ án “giết người” mà các bị cáo đều ở lứa tuổi 9X.
Từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt ở trường lớp và các điểm vui chơi, các em đã dùng hung khí tước đoạt mạng sống của người khác một cách dã man. Những bi kịch tội ác này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tha hóa đạo đức, lối sống của thanh-thiếu niên.
Nữ sinh cũng… nổi máu côn đồ
Sáng 7/8, đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM là bị cáo Ngô Huỳnh Trang (SN 1990, Q.10). Thật khó hình dung cô nữ sinh 19 tuổi đó lại là tội phạm giết người. Vào thời điểm gây án, Trang mới 18 tuổi, đang là học viên trường trung cấp kế toán công nghệ thông tin.
Nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Nguyễn Thị Thu Trâm (SN 1993, Q.Gò Vấp) và Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1993, Q.Bình Thạnh), cùng học chung lớp 10 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh). Do có mâu thuẫn trong giờ học, ngày 9/10/2008, khi tan trường, Trâm gọi Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1990, chị ruột Trâm) cùng bốn người bạn khác, trong đó có Ngô Huỳnh Trang đến đón đường đánh Trinh. Lúc này, Trinh được anh ruột và chị dâu (chị N.T.T.N.) đưa về. Cãi vã dẫn đến xô xát, Trang rút dao Thái Lan giấu sẵn trong yên xe đâm chị N. khiến chị tử vong, bỏ lại hai đứa con gái thơ dại (ba và sáu tuổi).
Trước đó ngày 5/8, TAND TP.HCM cũng đã tuyên phạt Trần Hoàng Nhật (SN 1991) 10 năm tù vì tội giết người. Vào thời điểm gây án, Nhật đang là học sinh lớp 8 Trường THCS K.B. (Q.8, TP.HCM).
Sáng 2/9/2007, Nhật cùng bảy người bạn đến Công viên nước Đại Thế Giới (Q.5) chơi. Do bị bệnh, Nhật không xuống hồ. Một người bạn của Nhật đùa giỡn cầm tay một người bạn khác là Hà Chí Vĩ đánh vào mông của một cô gái không quen biết. Lúc này, Lâm Huỳnh Phúc, Nguyễn Chí Lý và Trần Hữu Trọng nhảy vào đánh nhóm của Nhật vì dám sàm sỡ bạn gái của họ. Tức giận vì bị đánh, Nhật đã cầm dao đâm liên tiếp ba nhát vào ngực và bụng của Phúc. Lý xông vào đánh Nhật cũng bị đâm một nhát trúng bụng. Phúc tử vong, Lý bị thương tích 42% vĩnh viễn.
Cuối tháng bảy, TAND TP.HCM, cũng đã xét xử một hung thủ giết người chỉ mới tuổi 16: Phạm Văn Long (Q.4). Tại tòa, Long lí nhí kể lại cái ngày định mệnh của nạn nhân Phan Văn P. (14 tuổi): “Lúc đó khoảng 19g30 ngày 14/9/2008, P. và một số bạn đến công viên Tao Đàn chơi tết Trung thu. Tại đây, Long cùng nhóm bạn cũng đang chơi trượt cát. Lúc đi, Long có mang con dao nhọn giấu trong người. Trong lúc vui chơi, hai nhóm xảy ra xích mích. Nhóm của Long xông vào đánh, nhóm của P. bỏ chạy. Long đuổi theo và đâm bốn nhát vào người P. làm P. chết tại chỗ”.
Thờ ơ vì… nghèo?
Chuyện một nữ sinh 18 tuổi có thể rút dao đâm người khác dù mâu thuẫn chính không phải do mình là dạng phạm tội ít gặp. Những lý giải chung chung trước đây về gia đình, môi trường, xã hội là điều mà hầu như ai cũng biết, đã không thể đưa ra được câu trả lời cho tình trạng phạm tội này. Nên lý giải thế nào khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường mà vẫn phạm tội, và thờ ơ khi bạn mình phạm tội?
Có chứng kiến nhiều em tuổi 9X đến tham dự phiên tòa mà bạn mình là bị cáo phạm tội “giết người” mới thấy các em vẫn ăn mặc rất thời trang, tóc nhuộm xanh đỏ. Khi HĐXX thẩm vấn bị cáo về những hành động gây tử vong cho người khác, vẻ mặt các em rất bình thản, không hề sợ sệt, thậm chí nhiều em còn đùa giỡn, chỉ trỏ, cười rúc rích với nhau.
Tại phiên tòa xét xử Ngô Huỳnh Trang, khi HĐXX hỏi không phải chuyện của bị cáo, sao lại đến trường cầm dao đâm chị N.? Trang ấp úng “…vì bạn rủ rê, chỉ tính cầm dao hù dọa, bị đánh nên quơ đại chứ không nghĩ đến hậu quả”. Tại phiên tòa trên, đại diện trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết: “Ở trường, hiện tượng các nữ sinh xích mích, đánh nhau rất nhiều. Nếu xảy ra trong nhà trường, chúng tôi sẽ can thiệp, hòa giải và có những biện pháp cảnh cáo kịp thời. Nhưng, khi các em gây lộn ở bên ngoài, hoặc mang dao vào trường thì rất khó kiểm soát”.
Hầu hết những đứa trẻ phạm tội ở lứa tuổi này đều có hoàn cảnh “na ná” nhau: nghèo khổ, thiếu sự quản lý của gia đình… Vì vậy, lúc ra tòa, cha mẹ nào cũng lấy lý do nhà nghèo không có thời gian quản lý con…
Theo một thẩm phán tòa hình sự – TAND TPHCM: Pháp luật xét xử thanh thiếu niên phạm tội chủ yếu là giáo dục, răn đe, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, điều mà những người làm luật hết sức trăn trở là sau khi vấp ngã như vậy, không biết những đứa trẻ đó có thể làm lại cuộc đời được không, hay lại tái phạm với mức độ nguy hiểm hơn do sự thờ ơ của nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo Phụ Nữ/PNN
Thám tử VDT