‘Bốn mắt nhìn nhau trong lặng im’, ‘Tiếng gọi vợ ơi’ và ‘Trả tiền khách sạn cho chồng’… Những vụ việc đánh ghen kỳ lạ, ‘đánh ghen có học’ được liệt kê trong văn phòng thám tử.

“Những cặp đôi còn yêu thật lòng, chỉ cần nghe cách gọi nhau là biết. Còn hết yêu, họ mày, tao, thằng này, con nọ rất nặng nề. Cách đánh ghen cũng không ai giống ai, lắm lúc cười ra nước mắt”.

Đỗ Ngọc Anh, giám đốc Công ty TNHH Cung cấp thông tin Việt Nam (gọi tắt là thám tử VDT), chia sẻ. Anh nói công việc mình làm là hiểu biết tình cảnh để hàn gắn gia đình ấm êm hơn, chứ không phải bới móc, làm tan nát thêm.

Người tìm đến thám tử thường ở độ tuổi trưởng thành, muốn lập gia đình. Họ có tài chính, suy nghĩ cũng chín chắn, quản lý cảm xúc tốt hơn những người trẻ yêu đương nhất thời.

ĐỖ NGỌC ANH

Mừng vì còn yêu nhiều

Mới khai xuân mà không khí bận rộn trong văn phòng thám tử VDT (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị “đốt nóng”, đối nghịch với giá lạnh ngoài trời. Mỗi nhân viên như chạy đua thời gian. Ở phòng họp, sếp trẻ Ngọc Anh đang triển khai việc mới, bảng phân việc treo tường đã chật kín chỗ.

“Có tới 70% vụ việc chúng tôi nhận đều vì ghen tuông. Nhưng rất mừng đa phần cặp đôi còn nặng tình, nên vụ việc giải quyết thường êm đẹp”, Ngọc Anh kể.

Chúng tôi xin theo, anh đưa xấp tư liệu cần đọc kỹ trước. Chúng tôi xem qua hồ sơ một số vụ việc chọn lọc là những vụ đánh ghen do ngoại tình của vợ hoặc chồng. Có nhiều vụ ghen rất lạ lùng, thậm chí được nói vui là đánh ghen… có học, như chỉ cảnh báo  nhau: Tôi biết anh hay em đang ở cùng ai.

“Thường thì người chồng hay vợ này còn tình cảm sâu đậm với nhau, không muốn tan vỡ hôn nhân”, Ngọc Anh cho biết.

Câu chuyện giữa lòng Hà Nội sẽ khiến nhiều người không tin có thật, như người vợ đánh ghen bằng cách… trả tiền khách sạn cho chồng, hay người chồng đứng đợi vợ trước khách sạn nhiều giờ đồng hồ liên tục, chỉ để vợ và nhân tình trông thấy rồi quay đi. Có người lại chỉ xuất hiện gọi tên vợ một tiếng khi đang tay trong tay tình nhân, rồi thôi…

Thám tử Ngọc Anh lấy ra tập tư liệu dày, chọn những vụ việc đánh ghen kỳ lạ: “Bốn mắt nhìn nhau trong lặng im”, “Tiếng gọi vợ ơi” và “Trả tiền khách sạn cho chồng”. Chúng tôi bị thu hút vào câu chuyện vợ trả tiền khách sạn cho chồng mà chính thám tử cũng bị bất ngờ với cách xử trí của người vợ.

Xử lý “lạnh băng”

Không phải tất cả nhưng theo Ngọc Anh, ghen tuông của những người có học đa phần không gây hậu quả nghiêm trọng về pháp luật cũng như không để người kia bị xúc phạm nặng nề.

“Vì họ kiểm soát được cảm xúc và cư xử bằng lý trí”, Ngọc Anh nhấn mạnh. Anh kể: cô vợ là Nguyễn Thị Nhung (28 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tìm đến thám tử vì chồng có dấu hiệu khác thường, nghi ngoại tình nhưng cô không có khả năng lần dấu.

Sau khi trò chuyện kỹ với Nhung, các thám tử lên kế hoạch điều tra. Anh chồng là sếp công ty, mỗi ngày ra vào với các đồng nghiệp nữ khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi của thám tử.

Phải mất nhiều ngày thay phiên nhau đeo bám, họ mới phát hiện tần suất anh chồng gặp một phụ nữ khoảng 28 tuổi nhiều hơn. Họ xác minh kỹ cô này là nhân viên mới của chồng Nhung. Cứ hai ngày, cặp đôi lại hẹn nhau tại khách sạn nổi tiếng ở quận Hoàn Kiếm.

Mọi thông tin của cô gái được chuyển tới Nhung. Trớ trêu thay, tình địch của Nhung lại chính là người bạn thời đại học.

Nhung và chồng có mối tình đẹp sau 3 năm thì hôn nhân, Nhung cũng là nhân viên của chồng nhưng từ khi mang bầu, người chồng ra sức khuyên cô ở nhà nghỉ dưỡng, sinh con, “làm bà nội trợ chăm lo gia đình là được rồi”.

Ban đầu cô không chịu nhưng chồng dùng lời mật ngọt vỗ về nên Nhung đồng ý. Ai ngờ chủ đích chồng muốn cô ở nhà để anh “thoải mái” với nhân tình. Nhung càng bận rộn con mọn, chồng càng vắng nhà nhiều hơn. Những dấu hiệu nghi ngờ đều được thám tử xác minh chính xác.

“Nhung muốn đến khách sạn để bắt quả tang, chúng tôi đã tư vấn cho cô ấy về mặt tâm lý và pháp luật. Thấy Nhung khá bình tĩnh và lý trí nên chúng tôi yên tâm để cô ấy gặp.

Hôm đó khoảng 5h chiều, Nhung ăn mặc sang trọng đến khách sạn. Cô điềm tĩnh nói với nhân viên lễ tân, mình là nhân viên của anh và anh quên ví nên bảo cô đến thanh toán. Sau khi trả tiền, Nhung để lại tên mình và số điện thoại rồi lặng lẽ về”, Ngọc Anh kể. Không ai nghĩ Nhung lại làm được vậy.

Thám tử ở lại quan sát thấy anh chồng mặt mày biến sắc, run rẩy khi biết vợ đã biết chuyện và xử lý “lạnh băng” kiểu này.

Cố ngăn chặn bạo lực

“Những vụ chạm mặt tình địch, chúng tôi phải nắm bắt tâm lý khách hàng trước, giúp họ giữ được bình tĩnh và tư vấn luật pháp để họ không gây thảm án”, Ngọc Anh cho biết thêm việc hiểu tâm lý khách hàng vô cùng quan trọng, giúp xử lý vấn đề thuận lợi và ngăn nguy cơ tồi tệ.

Mỗi vụ việc thám tử tiếp nhận, bước đầu tiên là xác định dấu hiệu ngoại tình, như việc đi sớm, về khuya, những biểu hiện bất thường trong cuộc sống vợ chồng… Tiếp theo là xác định tình cảm, có còn yêu thương nhau hay đã hết. Thái độ của khách hàng có gay gắt với tình định không, có ý định đánh ghen lớn, trả thù nhau không.

“Khách hàng muốn tìm ra nhân tình của chồng, vợ là ai. Muốn có bằng chứng ngoại tình và bắt quả tang tại trận. Chúng tôi phải phán đoán được tình hình, linh hoạt xử lý để tránh việc xảy ra bạo lực”, Ngọc Anh kể và cho biết kinh nghiệm là những cặp đôi còn yêu nhau họ sẽ có cách gọi nhẹ nhàng hơn như cô ấy, anh ấy. Nhưng không còn yêu nữa họ sẽ con này, thằng nọ nặng nề.

Có khách hàng nóng tính hay dân “xã hội” đã “đặt một chân vào tù” thì rất dễ gây án nếu bắt quả tang vợ hay chồng ngoại tình. Với người như thế, thám tử phải tư vấn pháp luật và linh động xử lý tình huống.

Thực tế, không phải yêu cầu nào của khách cũng được thám tử đồng ý. “Nếu  họ yêu cầu làm điều phạm luật hoặc trái đạo lý luân thường, chúng tôi sẽ từ chối ngay”, một thám tử khác không tiết lộ tên cho biết. Anh ví dụ việc ngụy tạo bằng chứng, hiện trường giả, lộ thông tin cá nhân của ai đó hoặc tìm cách hủy hoại nhân phẩm, danh tiếng… đều là những việc thám tử không nên làm.

“Có yêu thì có ghen nhưng mong các bạn trẻ cố gắng hiểu cái tình, cái nghĩa sâu nặng hơn. Yêu là bao dung, tha thứ, nếu không chỉ một phút bốc đồng sẽ thiệt thòi mạng sống quý giá, hoặc có khi mất cả tuổi thanh xuân trong tù tội, bố mẹ và con cái buồn khổ một đời”, thám tử này trải lòng.

Bạo lực không giải quyết được vấn đề

Nếu thấy khách hàng hùng hổ, tuyên bố sẽ “xử” tại trận khi bắt quả tang, thám tử phải làm chậm sự di chuyển của họ hoặc báo lệch vị trí.

“Chúng tôi cố gắng ngăn chặn bạo lực có thể xảy ra. Bởi bạo lực không giải quyết được vấn đề mà phải đánh đổi nhiều thứ, và người chịu thiệt thòi chính là con họ”, một thám tử nói.

Tâm Lê  (TTO)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Pinterest

Tham khảo thêm

Dịch vụ thám tử