Trung úy cảnh sát của thành phố Sydney bên nước Úc bữa nay rất hài lòng: anh vừa hoàn tất rất nhanh lẹ một cuộc điều tra khó khăn.
Cách đây hơn ba hôm, ngày 6 tháng Hai năm 1960 trong phường anh xảy ra một vụ án mạng. Bà Peggy Marshall năm mươi lăm tuổi, vợ ông chủ ngân hàng Nick Marshall bị chết ngạt dưới chiếc gối bông, ngay trong gian phòng lộng lẫy của bà tại số 1136 đường Hoàng Hậu. Nửa đêm đó, ông chồng đi làm về thì phát hiện sự việc. Hơn nữa, chính ông đã chạm trán hung thủ. Lúc ông bước vào vườn nhà, bất chợt một gã đàn ông xô vào ông rồi bỏ chạy. Vào được trong phòng bà vợ thì ôi thôi, mọi sự đã rồi. Bà đã tắt thở. Toàn bộ nữ trang để trong tráp gỗ đặt trên mặt bàn ngủ đã không cánh mà bay. Không tới ba ngày sau hung thủ đã bị bắt giữ. Người chủ tiệm kim hoàn thấy anh ta gạ bán nhiều nữ trang quý giá đã tố giác. Cảnh sát chỉ việc tới lôi đi…
Bước vào văn phòng trung úy Clark là Francis Barber khoảng hăm lăm, tóc hung bốc lửa, hai tay đeo còng. Anh ta cười gằn hỏi sĩ quan cảnh sát:
– Lão chủ tiệm đồ vàng cũ tố giác, hử?
Trung úy Clark nhún vai:
– Ông ta không muốn dính dấp vào án mạng.
Thái độ Francis đột ngột thay đổi hẳn:
– Án mạng nào? Chuyện gì kỳ cục vậy?
Trung úy hơi gắt:
– Vụ giết bà Peggy Marshall chứ còn vụ nào nữa…
Nghe chưa dứt lời, da mặt Francis đã xám ngoét:
– Không đúng! Tôi không giết!
Viên cảnh sát nhìn gã, vẻ ranh mãnh:
– Tất nhiên, hẳn là thế… Tự bà ta chết ngạt vì chúi đầu vào cái gối trong lúc anh mải chôm nữ trang của bà… Tắt cái trò gạt gẫm trẻ con đó đi, Francis. Chính anh lấy những nữ trang đó, lát nữa chồng nạn nhân sẽ tới nhận mặt anh… Tốt hơn hết là hãy thú nhận ngay…
Francis Barber nhảy bật trên ghế:
– Xin thề độc, tôi không giết người. Để tôi kể ông nghe. Biết nhà Marshall giầu có, tôi lập kế hoạch lẻn vào. Tưởng bữa đó nhà vắng người, dè đâu khi vào lại thấy bà ta nằm ngủ trên giường. Tráp nữ trang đặt tên bàn đầu giường. Tôi lẹ tay lấy hết không làm bà ta tỉnh giấc…
Đúng lúc có tiếng xe hơi vừa dừng ngoài cổng. Ông chồng đi làm về. Tôi vội chạy ra. Tông phải ông ta ngoài vườn… Thưa trung úy, xin thề sự việc đúng như vậy.
Trung úy Clark không đáp. Nhân viên vào báo ông Nick vừa tới. Trung úy ra lệnh mời vào ngay. Vừa trông thấy Francis, chủ ngân hàng reo to:
– Nó đấy!
Đúng nó. Tóc hung hung đỏ. Không lẫn vào đâu được!
Trung úy quay sang nhìn Francis:
– Thế nào? Còn chối nữa không?
Chàng trai giẫy nẩy:
– Tôi cũng nhận ra ngay ông Marshall. Tôi chạy vội nên tông phải ông ngoài vườn. Tôi có chối đâu! Không chối tội ăn trộm. Nhưng tôi không giết vợ ông này. Thề có Chúa chứng giám!
Tháng Mười một năm 1980, đứng trước tòa Francis vẫn một mực thề mình vô tội. Trộm cắp thì có, giết người thì không đời nào. Nhưng bằng chứng buộc tội lại rất xác đáng: đồ nữ trang, lời khai của Nick Marshall thừa nhận đúng là gã…
Ngay luật sư bào chữa cho Francis cũng tránh né không nói nhiều về nội vụ. Ông nhấn mạnh tới tuổi niên thiếu bất hạnh của thân chủ. Bố bỏ đi khi còn rất nhỏ. Mẹ nuôi dạy trong những điểu kiện khốn khó. Hơn nữa, hồi bé đã bị chấn thương sợ não nặng vì té ngã… Vì vậy, đáng được tòa khoan hồng…
Quả nhiên tòa kết luận Francis phạm tội nhưng do quá khứ như vậy nên được hưởng những tình tiết giảm nhẹ. Do đó, chỉ bị phạt mười lăm năm tù giam. Trước khi bị giải đi, Francis kêu lần chót:
– Tôi vô tội! Tôi không giết bà Marshall!
Trong phòng xử, một bà mới trạc tuổi ngũ tuần nhưng trông già trước tuổi quay sang người ngồi kế bên:
– Tôi biết tính thằng nhỏ. Nó la lên vậy là nó bị oan thật… Trong những việc quan trọng, không bao giờ nó nói dối. Tôi tự tôi sẽ chứng minh nó vô tội!
Kite Barber, mẹ của Francis rời công thự Tòa án Sydney. Bước chân vẫn vững vàng không mảy may run rẩy. Bản án giáng lên đầu thằng con không làm bà gục ngã. Trái lại, bà cảm thấy mình có một sức mạnh không ngờ . Và biết rõ cần phải làm gì…
Vài ngày sau bà Kite Barber, vào ngồi trên chiếc ghế trong phòng đợi của nhà thám tử tư trứ danh. Lúc này bà mới hơi run run. Trong chiếc xắc tay đặt trên đùi có 1.000 đôla, tiền vừa bán chiếc trâm hồng ngọc của mẹ bà để lại. Vật quý duy nhất bà có được và thề không bao giờ rời xa. Mới đây, đọc báo bà được biết nhà thám tử George vừa giải quyết rất tài tình một vụ tranh chấp thừa kế rất phức tạp. Bà đặt hết hy vọng vào ông này. Vài phút sau, ngồi trong văn phòng bề thế trang bị cực kỳ hiện đại của thám tử, bà Kite rụt rè trình bày vụ việc.
– Tôi hiểu rõ con tôi. Từ hồi 17 tuổi nó đã bắt đầu chôm chỉa vì không sao kiểm nổi việc làm… Mà tôi thì làm sao chạy cho đủ mà nuôi con. Đâu phải lúc nào cũng có người thuê mướn giúp việc nhà cho họ… Quả tình cháu nó có bị bắt giữ nhiều lần, có ngồi tù một ít thật, nhưng nó không bao giờ giết người…
Kite Barber thò tay vào xắc lấy xấp 1.000 đô:
– Tôi van ông, ông thám tử, xin ông tìm ra thủ phạm cho! Tôi chỉ có bấy nhiêu, nếu chưa đủ, tôi sẽ làm việc đến hơi thở cuối cùng để trả tiền cho ông…
George Higgins phác một cử chỉ tỏ ý không nhận.
– Bà Kite Barber, mong bà giữ số tiền này. Nó có ích cho bà hơn cho tôi. Tôi sẽ làm việc giúp bà, miễn phí. Trường hợp của con bà khiến tôi quan tâm. Đọc tường thuật của các báo, tôi cũng cho rằng thái độ của con bà không giống thái độ của một kẻ phạm tội. – Ông cắt ngang mọi biểu thị nồng nhiệt của Kate. – Xin đừng cảm ơn. Theo một ý nghĩa nào đó, tôi cũng có lợi. Thành công trong vụ này sẽ là một màn quảng cáo rất ăn khách cho công việc của tôi.- Ông nói tiếp – Bà biết không, tôi đã có đầu mối cần tìm rồi. Lâu nay vẫn tự hỏi tại sao cảnh sát không điều tra người chồng. Vậy tôi sẽ làm chuyện đó.
Hiếm khi công việc của George Higgins lại mau lẹ và có hiệu suất cao như vậy. Chưa hết một tuần, ông đã nắm được nhiều điều đáng quan tâm xung quanh nhân vật Nick Marshall. Điều trước tiên: gia sản khổng lồ ông ta đang nắm do bà vợ gây dựng nên chứ không do công sức ông ta. Năm 1948, ông cưới Peggy, con của một đôi vợ chồng chủ trại cực kỳ giàu có. Nick bắt đầu nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng nhờ tiền của bố mẹ vợ. Chưa hết. Qua theo dõi Nick, thám tử phát hiện ông ta có nhân tình, một cô có tên Olivia Bedford hăm tám tuổi, nguyên là thư ký riêng của ông ta, hiện đang được bao trong căn hộ lộng lẫy ở Sydney. Đáng lẽ những việc này phải do cảnh sát tiến hành nhưng họ không nghĩ ra. George nói thẳng với trung úy Clark nhận xét của ông. Ông vốn đã từng là cảnh sát, nay vẫn giữ quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ.
– Có bồ nhí, nhưng vướng bà vợ đang về già. Li dị thì mất hết. Đây không phải là động cơ gây án sao, trung úy?
Trung úy Clark lắng nghe rất chăm chú tất cả những phát hiện của viên thám tử tư. Và thấy cần thanh minh:
– Thú thật là tôi không nghĩ tới chuyện điều tra người chồng. Vì cho rằng tội của Francis đã sờ sờ ra đó. Nào ngờ lại có chuyện quái quỷ đến thế!
George gật gù:
– Đúng một tuyệt tác của kẻ lòng lang dạ thú. Sau khi bị Francis tông ngoài vườn. Nick chạy vội vào nhà và thấy vợ đang ngủ say. Nữ trang trên bàn không còn. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu hắn: Phải chớp lấy thời cơ duy nhất này. Hắn vơ gối, đè Peggy ngạt thở. Hung thủ dĩ nhiên sẽ là tên trộm, bị chủ nhà bất chợt thức giấc trông thấy. Một án mạng kiểu này thật không thể từ chối thực hiện!
– Dĩ nhiên. Nhưng dị bản kia rất đáng chú ý: Francis cũng có thể là thủ phạm.
– Anh hoàn toàn có lý. Chính tôi cũng chưa tin hẳn chuyện Nick giết vợ. Nhưng cần có một cách khám phá ra sự thật. Có điều là… Có thể tôi sẽ cần tới thái độ trung lập có thiện cảm của anh, và có khi còn cần được mấy anh tiếp tay nữa. Bởi lẽ… cách của tôi thật ra không chính thống lắm.
George trình bày kế hoạch. Lát sau ông ra về, yên chí sẽ được cảnh sát hỗ trợ. Cuộc điều tra theo cung cách hơi đặc biệt của ông sắp bắt đầu. Ngay bữa đó, ông gọi tới nhà chủ ngân hàng.
– Chào ông Marshall… xin phép không xưng tên tôi. Tôi có áp phe cần bàn với ông.
George cảm thấy người đối thoại hình như định gác máy, vội tiếp:
– Tôi gọi điện cho ông về chuyện Bedford…
Im lặng ở đầu dây bên kia.
– Thưa ông Marshall, nghề chuyên môn của tôi là trộm cắp. Hồi nãy tôi vừa tới thăm nhà Olivia Bedford. Không kiếm được nữ trang, tiền bạc, nhưng lại được một thứ thú vị hơn…
Nick ngắt lời:
– Không đùa. Tôi không quen cô nào tên là Bedford.
Thám tử thản nhiên nói tiếp:
– Có, có đấy, ông quen thân là khác. Nhưng chắc ông không biết cô ta viết nhật ký… Nó đang nằm trước mắt tôi. Trong đó ghi rõ mối quan hệ giữa quý vị. Cô nàng trước kia là thư ký riêng, rồi bị ông quyến rũ. Điều này không đáng nói. Thú vị hơn là chỗ này này: ngày 7 tháng Hai năm 1980, tức một ngày sau khi vợ ông bị giết, cô Bedford viết trong nhật ký: “Nick thú nhận đã giết Peggy. Thật kinh khủng!…” Ông biết rõ điều gì còn kinh khủng hơn gấp bội chứ, ông Marshall? Đó là nếu cảnh sát nhận được cuốn nhật ký này làm bằng chứng…
Lại im lặng trong ống nghe… Chủ ngân hàng sẽ phản ứng thế nào? Đây là khoảnh khắc bộc lộ sự thật. Phản ứng của Nick rất ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn trong hai từ:
– Bao nhiêu?
George đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:
– 20.000 đô, tờ nhỏ. Ngày mai, lúc 18 giờ, trong nghĩa trang Bắc Sydney, lối đi số 3.
Ông gác máy. Bây giờ chỉ việc gọi điện cho trung úy Clark báo cáo kết quả và xin điều động cảnh sát tóm cổ Nick khi hắn nộp tiền. Trung úy chấp thuận kế hoạch nhưng muốn biết rõ một tình tiết:
– Tôi không hiểu tại sao Nick không hỏi cô ta về cuốn nhật ký trước khi…
George khoái chí ngắt lời:
– Tôi biết cô Bedford lúc này đang đi tới bên kia trái đất, sang tận nước Anh xa xôi. Làm sao Nick liên lạc được Trung úy thấy chưa, hắn bị dồn vào chân tường…
Hôm sau, vào lúc 18 giờ, trung úy Clark và nhân viên của ông nấp sau những ngôi mộ trong nghĩa trang Bắc Sydney thấy Nick Marshall đi tới, nách cắp chặt chiếc cặp. Lập tức Nick bị vây chặt và bắt giữ. Trong cặp da có 20.000 đô bằng giấy lẻ. Trung úy hét giữa mặt chủ ngân hàng:
– Ông Nick, ta có chuyện cần nói với nhau.
Qua vài giây sững sờ, Nick mau chóng lấy lại vẻ hung hăng vốn có.
– Chuyện gì? Tiền này của tôi, đầu phải tiền trộm cắp! Tôi có quyền dạo chơi với 20.000 đô trong tay chứ, phải không?
– Toàn bằng tiền lẻ? Và trong nghĩa trang?
– Thì đã sao? Ông cho biết đạo luật nào cấm công dân đi dạo trong nghĩa trang mang theo 20.000 đô giấy nhỏ?
– Chúng tôi có nguồn tin riêng, ông Nick! Biết ông tới chuộc quyển nhật ký của người tình Olivia Bedford trong có ghi lời ông thú nhận đã giết vợ.
– Nhật ký nào vậy? Đưa ra coi!
Trung úy thấy tình thế thế hơi bấp bênh.
– Dù sao, ông cũng phải giải thích rõ cho tôi chuyện này.
– Thôi được… tôi đang bị sức ép một cú săng ta về cô Bedford. Thú thật, cô ta đúng là bồ nhí của tôi. Một người như tôi không thể cho phép lan truyền những lời đồn đại lăng nhăng. Tôi tới đây với mục đích dập tắt vụ đó. Còn cái chết của bà xã tôi thì chẳng liên quan gì tới sự này. Vu khống trắng trợn đến thế là cùng.
Trung úy Clark không đôi co, Nick có lý: Không có bằng chứng cụ thể nào buộc tội hắn, hơn nữa hắn thuộc loại có vai vế đáng nể, đụng vào không dễ. Bắt giữ thằng lúc này là chơi với lửa. Nhưng trung úy tin chắc hắn phạm tội, không thể buông tha. Ông sẽ tận dụng thời hạn tạm giữ do pháp luật quy định, hy vọng từ nay tới khi hết hạn sẽ có sự kiện gì mới…
Quả nhiên, sự kiện đó xảy ra ngay hôm sau, dưới dạng chuyến bay London – Sydney. Olivia Bedford từ Anh trở về. Được cảnh sát sân bay cấp báo, trung úy Clack lập tức ra lệnh đưa cô nàng tới văn phòng đồ cảnh sát để đối chất với Nick. Vừa trông thấy Nick, cô ả đã hốt hoảng kêu lớn:
– Tôi không có tội! Không tiếp tay ông ta! Một mình ông ta làm hết!
Nick tái mặt. Hắn biết mình đã thua cuộc, thẫn thờ bảo Bedford:
– Đồ ngu! Ai bảo viết nhật ký!
Olivia Bedford ngơ ngác:
– Nhật ký nào? Anh nói gì lạ vậy?
– Chủ ngân hàng nhăn mặt nhìn viên trung úy:
– Đểu! Quá đểu! Không chính quy nhưng quá giỏi!
Tòa trả tự do cho Francis ngay tức thì. Tuy tội trộm cắp gã phạm đáng phạt tù lâu hơn, nhưng xét thấy trận thử thách vừa rồi đã đủ cho gã đền tội nên tòa cho gã được tự do có điều kiện.
Tháng Sáu năm 1981, chủ ngân hàng Nick và cô bồ nhí ra trước tòa. Cô ả được trắng án, Nick ngồi tù chung thân. Số phận? Francis Barber ra sao đây?
Sau khi được tha, anh kiếm ngay được chỗ làm: chạy giấy tờ cho George Higgins, thám tử.
Phương Hà, Vĩnh Hồ
( Nguồn VN Thu Quan)