Gặp lại thân chủ định bụng là lần cuối cùng, Châu cố động viên xem họ có nhớ thêm được điều gì. Khi hỏi đến những người cùng sinh trong trạm xá hôm đó có trò chuyện hay mang đồ đạc gì thì chị Trang chỉ nhớ một sản phụ sinh cùng giờ với chị có nhắc đến từ “hàng Tre”.
Người ở phố cây phượng
Anh Bình nhớ mang máng biển số xe máy anh chồng chị kia là biển 31- Hà Nội. Lập tức Châu quay lại gặp bà Hường. Bà cho biết ngày mà có hai sản phụ vãng lai cùng đến chính bà là người giúp họ. Bà không nhớ tên tuổi, địa chỉ của ai và sinh trai, gái thế nào. Nhưng bà khẳng định 90% các sản phụ vãng lai ở đây đều là người Hà Nội. Ai không là người Hà Nội thì bà nhớ ngay…
Như vậy chỉ có một lần trong 20 năm qua có hai sản phụ vãng lai cùng sinh tại trạm xá và rất có thể chính là hôm chị Trang cùng vợ ông nhà có cây phượng trước cửa. Chị Trang nhớ thêm những sản phụ khác sinh cùng ngày nhưng đều là buổi sáng hoặc chiều. Chỉ có chị và người nhắc đến từ “hàng Tre” là sinh gần tối.
Châu nghĩ những người sinh con xong chắc chắn phải công khai ngay là trai hay gái. Điều này có nghĩa là sự nhầm lẫn chỉ có thể xảy ra giữa hai người sinh cùng giờ khi chưa ai biết con mình trai hay gái. Cặp đó có thể là chị Trang và sản phụ người Hà Nội kia. Câu chuyện còn lại chỉ là một cây phượng chẽ đôi trên con phố nào đó của Hà Nội.
Cách duy nhất có thể tìm cây phượng đó chính là… ra phố. Các thám tử chia năm nhóm, khoanh vùng theo bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Sau ba ngày thì có bốn cây phượng được đưa vào nhóm “khả nghi”. Các thám tử tự sắm vai diễn để tìm cậu học sinh lớp 8 hoặc 9 tên Phượng nhà đối diện cây phượng.
Châu phụ trách cây phượng ở quận Đống Đa giống nguyên mẫu nhất. Cắp cặp, đeo kính, bút cài áo trắng như một thầy giáo, Châu gặp các em thiếu niên nhà gần đó hỏi cho gặp Phượng, học sinh lớp 8 trường B (một trường cấp II gần đó). Không vất vả lắm, Châu được chỉ đến ngôi nhà mặt phố nhìn thẳng ra cây phượng. Gõ cửa, rất may người mở cửa là một cậu học trò mảnh khảnh, hiền lành.
Nghe chừng chỉ có một mình cậu ở nhà, Châu nói: “Anh là cán bộ Đoàn đi lập hồ sơ cho những học sinh tham gia cuộc thi “Những người bạn cùng tên”. Lần thi này là tên Phượng. Anh qua trường, các thầy giới thiệu em. Anh tiện đường vào ghi tên và đăng ký cho em”. Phượng mở cửa. “Em sinh ở đâu nhỉ?”. “Hà Tây ạ!”. “Ơ sao lại Hà Tây?”. “Bố mẹ em về quê, đến Thường Tín thì đẻ em”. “Em sinh ngày…?”. “15-10-1990”…
Phượng cho biết bố làm cán bộ phường, mẹ bán hàng bánh kẹo, giải khát đối diện cổng chợ Ngã Tư Sở. Thế là đứa trẻ đáng nghi thất lạc 13 năm trước nay đã tìm ra.
Hạnh phúc và sự thật
Theo dõi một ngày, Châu biết địa điểm bán hàng của mẹ Phượng. Người cần tìm đã thấy nhưng làm sao xác minh rằng những đứa trẻ có bị đánh tráo?
Qua nhiều cân nhắc, cuối cùng Châu đưa ra phương án: hai gia đình kết thân, sau đó sẽ tế nhị đưa ra từng phần câu chuyện để dò thái độ đối phương và cách giải quyết phù hợp.
Đưa vợ chồng Bình – Trang đến thị sát cửa hàng mẹ Phượng là chị Hà.
Kịch bản được diễn: qua ba lần vào mua hàng khi chị Hà vắng khách, chị Trang gây ấn tượng bằng cách mua nhiều, không mặc cả và khá vui chuyện. Một hôm anh Bình chở chị Trang đi qua để chị vào chợ mua sắm, rồi đi thẳng. Mua hàng xong, chưa thấy chồng đón, chị Trang lại vào quán chị Hà đợi chồng.
Hai người nói đủ thứ chuyện. Hết chuyện chồng sang chuyện con. Vì cả hai có con cùng tuổi nên câu chuyện càng rôm rả. Chị Trang nói con chị được sinh dọc đường, trong trạm xá ở Hà Tây. Chị Hà ồ lên và hai người quấn quýt nhận ra 13 năm trước họ cùng hoàn cảnh. Cùng lúc anh Bình đi đến. Chị Trang hồ hởi giới thiệu với chồng người “bạn đẻ” năm xưa.
Qua thái độ của vợ chồng Hà – Dũng, Châu không thấy dấu hiệu gì của sự sợ hãi, cảnh giác hay trốn tránh. Tóm lại họ vô tư, hồn nhiên như không. Họ cũng chưa có cảm giác nhầm con như anh chị Bình – Trang. Chỉ có Bình – Trang khi gặp cháu Phượng thì mất bình tĩnh và khi về họ khăng khăng đó đúng là giọt máu dòng họ Lỗ.
Nỗi nghi hoặc hơn 10 năm chỉ có thể giải quyết triệt để và minh bạch bằng khoa học. Trước hết là thử máu Hồng và bố mẹ. Nếu không trùng sẽ nói thật với anh chị Dũng – Hà, hoặc sẽ tìm cách lấy mẫu ADN của Phượng.
Nhiều đêm Bình – Trang thức trắng nhìn con ngủ nhưng họ thấy mình không thể đối mặt với những tình huống khi lấy mẫu ADN. Châu nói: Dù con anh chị là Hồng hay Phượng thì cả hai đều đang có cuộc sống tốt đẹp. Chúng đang được hưởng những gì tốt nhất mà người lớn có thể đem lại. Nếu chúng biết câu chuyện này, dù là con ai đi nữa thì chắc chắn chúng cũng bị tổn thương. Đó là chưa kể đến những người là cha mẹ chúng khi phải đối mặt với những tác động khôn lường từ bản thân, đời sống và dư luận.
Điều dằn vặt trước đây là không biết con mình là ai trong hàng triệu đứa trẻ sinh năm 1990, nhưng nay đã biết chắc chỉ một trong hai đứa Hồng – Phượng. Trước đây không biết con mình sống ra sao, nay biết rõ từng bữa cơm chúng ăn gì, chúng học hành ra sao. Như vậy chuyện còn lại với anh chị Bình – Trang là tự biết hạnh phúc với những kết quả đó, tự biết giải quyết những dằn vặt trong mình.
Và sự thật về những đứa trẻ bị cuộc đời đánh tráo ấy, nếu cần sẽ được đề cập vào lúc hợp lý. Có thể là khi những đứa trẻ đã đủ trưởng thành, hoặc lúc những người cha, người mẹ sắp từ giã cuộc đời đầy bí ẩn và éo le này…
Kết thúc những chuyến đi dài dằng dặc theo nỗi nghi ngờ để tìm lại một hài nhi của 13 năm quá khứ, các thám tử lại đi tìm dấu vết của người đàn bà từ nhiều năm trước đã bỏ rơi con ngay khi nó vừa chào đời. Manh mối chỉ là một dòng địa chỉ không có thật…
TRÂM ANH
Theo Tuoitre
Dịch vụ thám tử tại Hà Nội