Có nên coi thám tử tư là một nghề và cấp phép hoạt động? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau, cả đồng tình lẫn băn khoăn bởi thám tử tư – “điều tra tư” là một hoạt động nhạy cảm.
* Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Không nên cho phép kinh doanh nghề thám tử tư!
Các qui định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật đời tư, qui định về điều kiện kinh doanh đều không cho phép điều tra bí mật đời tư của người khác, nên nếu ai làm là vi phạm pháp luật, cả người thuê tìm hiểu và người đi làm để lấy tiền.
Nhu cầu của xã hội rất đa dạng, và khi có nhu cầu mới phát sinh, phải xem xét mức độ hợp lý của nhu cầu đó với đời sống xã hội như thế nào. Có những nhu cầu gây hại cho xã hội, như hành vi bạo lực, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy… nên phải xem xét cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật, xem nhu cầu đó thỏa mãn cho những ai, có nhiều không, vì mục đích gì, chứ không phải vì vợ chồng cần theo dõi nhau, hoặc đối thủ làm ăn tìm cách khai thác bí mật đời tư của nhau mà phải cho ra đời nghề thám tử.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước lại thừa nhận nghề vệ sĩ, mà không cho phép nghề thám tử, bởi nhu cầu bảo vệ an ninh là nhu cầu chính đáng của số đông, còn việc điều tra, tìm hiểu về đời tư người khác chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của một nhóm người, mà nhu cầu đó không phải lúc nào cũng chính đáng.Ví dụ, thuê thám tử theo dõi việc vợ hay chồng có tình nhân, chưa chắc đạt được mục đích bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhưng lại có nhiều hệ lụy khi điều tra, biết được bí mật đời tư của người khác thì rất dễ dẫn đến việc lạm dụng và lợi dụng thông tin đó để gây sức ép, thậm chí phạm pháp với người khác. Vì vậy, cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật, trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng, không nên thừa nhận thám tử tư là một nghề.
Hiện, trên thế giới có một số nước thừa nhận nghề thám tử, nhưng luật pháp của họ rất nghiêm khắc, việc quản lý nhà nước của họ rất tốt, nếu thám tử xâm phạm bí mật đời tư có thể bị phạt rất nặng, thậm chí phạt tù. Còn tình trạng quảng cáo hành nghề thám tử tràn lan trên mạng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nếu quản lý không chặt, tạo kẽ hở cho dịch vụ này phát triển ngoài vòng kiểm soát, thì rất dễ dẫn đến những hậu quả phức tạp.
* Luật sư Nguyễn Văn Hà, VPLS Hà Lan và cộng sự: Trong tương lai, cần coi thám tử là một nghề!
Hiện pháp luật chỉ cấp phép cho dịch vụ cung cấp thông tin dân sự và nhu cầu tìm hiểu thông tin không nhỏ. “Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi cũng từng sử dụng dịch vụ “thám tử” khi cần xác minh thêm một số chứng cứ để bào chữa, bảo vệ tốt hơn cho thân chủ của mình, hoặc sử dụng dịch vụ này để tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho việc yêu cầu thi hành án của thân chủ… Tuy nhiên, do chưa được công nhận là một nghề, nên việc cung cấp thông tin của các “thám tử” cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn họ phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân để tìm hiểu thông tin.
Trước nhu cầu của người dân, cũng như hoạt động tự phát của các Công ty thám tử tư, văn phòng thám tử hiện nay, các cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân, để tìm hiểu xem khi cần biết thông tin nào đó, người dân có cần nhờ đến dịch vụ thám tử không, hay đây chỉ là nhu cầu của một số ít người. Việc khảo sát thực tế sẽ cho cơ sở có cần thiết công nhận thám tử là một nghề hay không. Riêng cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, khi hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn thì nên công nhận thám tử là một nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
* Luật sư Trương Văn Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội: Quản hay cấm cần rõ ràng!
Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi biết nhiều khách hàng và cả đồng nghiệp đã sử dụng dịch vụ thám tử để xác minh thông tin. Tuy nhiên, do chưa được thừa nhận, hoạt động “bán công khai” nên có khá nhiều chuyện hỉ, nộ, ái, ố phía sau, trong đó không ít chuyện tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, dịch vụ này tuy “âm thầm” nhưng phát triển khá nhanh trong những năm gần đây do nhu cầu ngày càng nhiều, nếu Nhà nước không có các biện pháp quản lý phù hợp, sẽ phát sinh nhiều hậu quả pháp lý phức tạp. Theo tôi, pháp luật đang cấm mà dịch vụ này vẫn phát triển, cấm kiểu “nửa vời” như hiện này thì cần phải nhìn nhận lại.
Nhu cầu tìm hiểu thông tin (theo giới hạn pháp luật cho phép như cha mẹ tìm hiểu về con cái, vợ chồng tìm hiểu về các mối quan hệ của nhau, doanh nghiệp tìm hiểu kẻ nào làm nhái, làm giả sản phẩm của mình…) là nhu cầu chính đáng, nhưng người dân, doanh nghiệp không dễ tự làm được, và dịch vụ thám tử ra đời như một đòi hỏi thực tế.
Nói như thế không có nghĩa là cho phép thám tử tư được hoạt động cung cấp thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà chỉ một số lĩnh vực nhất định như dân sự, kinh tế. Đồng thời, phải có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ như bảo mật, sử dụng thông tin như thế nào, được sử dụng biện pháp nghiệp vụ gì để thu thập thông tin… Tôi cho rằng, việc thừa nhận nghề này sẽ giúp cho quản lý nhà nước tốt hơn, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng dịch vụ cung cấp thông tin tốt hơn, cũng như ngân sách không mất một nguồn thuế.
Nhiều nước trên thế giới coi thám tử tư là một nghề có điều kiện, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật rất chặt chẽ. Hai tiêu chuẩn được coi là quan trọng của nghề thám tử là phải có lý lịch tốt, không có tiền án tiền sự, không gặp phải các vấn đề tiêu cực về tài chính, tiền bạc… và có đạo đức nghề nghiệp. |