Đưa bố đến chỗ mẹ và người tình, chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, con ông Trường nhảy cẫng lên sung sướng: “Sắp có tiền rồi! Sắp có tiền rồi!”.
Thuê con làm… thám tử
Quản lý một cửa hàng quần áo ở một chợ lớn của Hà Nội, là trụ cột về kinh tế của gia đình, nên chị Hạnh (Hà Nội) suốt ngày bám trụ vào cửa hàng. Tuy nhiên, khi nghe tin đồn chồng có bồ, chị dù ba máu sáu cơn cũng chẳng muốn bỏ ra một ngày để theo dõi. Thuê thám tử thì chị không thích, vì sợ anh em họ hàng biết. Chị quyết định nhờ… con.
Hai mẹ con đi đến thống nhất: chị sẽ trang bị cho con điện thoại, máy ảnh, guốc nhọn, kìm, kẹp… để con chị có thể thay chị “trả thù”. Đổi lại, lần nào phát hiện bố đi với cô nào, con chị sẽ có nhiệm vụ báo chị lịch trình cụ thể, bố đi đâu về đâu, có hành vi gì, chụp ảnh làm bằng chứng… chị sẽ thưởng cho con 100 nghìn. Nếu con có thể… ra tay với tình địch, mức thưởng sẽ lớn hơn. Hai mẹ con sẽ theo dõi bố trong… bí mật, mà không một ai ngoài gia đình được biết!
Thế là đứa con, ngay khi nhận nhiệm vụ, đã đưa ra cho mẹ nhiều bằng chứng xác đáng. Không ít lần nó phải bỏ học vì phi vụ có tiền sắp diễn ra. Mỗi bằng chứng là mỗi lần nhà chị lại có cuộc khẩu chiến, chì chiết giữa hai vợ chồng. Còn đứa con, ngồi trong phòng cười… phởn chí vì sắp có tiền tiêu.
Chưa hết, có nhiều lần, đứa con còn lừa chị. Bố không đi với gái nhưng nó vẫn báo cáo về để được lĩnh tiền. Ông chồng tự dưng không có tội thành có tội, còn con chị mắc thêm bệnh nói dối để có tiền tiêu. Cứ thế, cuộc sống trong gia đình chị ngày một căng thẳng, mỗi thành viên tan tác một hướng.
Cũng sai con đi rình mẹ, ông Trường (Hà Nam) hứa thưởng cho con tiền ăn quà vặt, nếu báo cho bố biết mẹ đang làm gì với giai. Một lần, sau khi đứa con mật báo cho bố địa điểm “hành sự” của mẹ, ông đã cùng con đến để trả thù. Một trận đòn tơi bời đổ lên đầu người vợ trước mặt đứa con. Tuy nhiên, thay vì khóc thương cho mẹ, đứa con của ông Tuấn lại hò reo sung sướng: “Sắp có tiền rồi! Sắp có tiền rồi!”.
Th.S Vũ Thu Hương, khoa Tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lấy làm tiếc khi nhìn thấy sự phát triển tâm lý lệch lạc của những đứa trẻ, nạn nhân của hờn ghen giữa bố mẹ. “Những đứa trẻ này sẽ có những phản ứng tiêu cực về sau, như mất hết lòng tin vào phái kia, không có hào hứng về gia đình và hôn nhân. Thậm chí trẻ có thể phá cách, chỉ thích chơi bời, không dám lấy vợ”, Th.S Vũ Thu Hương nói.
Bắt con nhịn ăn vì vợ mải đi chơi
Từ ngày biết vợ có bồ, anh Hướng (Nghệ An) trút nỗi hờn ghen vào rượu và con gái lên 6 tuổi. Với anh, đứa con gái là hiện thân của kẻ bội bạc. Mỗi lần rượu vào, anh chì chiết con bằng những câu cay nghiệt: “Rồi mày cũng sẽ (…) như mẹ mày thôi. Ngày xưa tao sai lầm mới lấy mẹ mày”.
Mỗi lần vợ về muộn, là mỗi lần đứa con phải nhịn đói tối hôm đó. Anh không nấu cơm, không mua gì cho con ăn mà còn quát tháo ầm ĩ, đuổi con ra khỏi nhà: “Mày đi tìm mẹ mày về đây. Mẹ mày đi chơi được thì mày nhịn đói nhé”.
Cứ thế cho đến khi anh chị ly hôn thì đứa con lên 9 của họ trở nên ủ rũ, buồn bã và co ro, gầy gò như một bà già. Cô bé rụt rè kể: “Con đến đây để nghe quyết định của toà xem con sẽ về ở với ai. Nhưng con sợ về ở với cha lắm. Con sợ cha khi cha say rượu, cha thường lôi con ra đánh, chửi, bảo con giống mẹ nên sau này sẽ ‘“đi theo trai”. Con muốn về với mẹ nhưng cha bảo nếu về với mẹ cha sẽ đánh chết. Cha dặn là phải nói về ở với cha, cha sẽ cho vòng, nhẫn, hoa tai…”.
Và cuối cùng, trong phiên toà, cô bé vừa khóc nghẹn ngào vừa bảo muốn ở với cha. Những lời nói con trẻ như một cái máy cài đặt sẵn…
Trong cuộc chiến ghen tuông và tiền ly hôn, nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình hoặc cố ý nói xấu bạn đời với con, lôi kéo con cái về phe của mình. Vô tình họ để lộ tất cả những thói hư tật xấu trước mặt con mà không biết.
Chứng kiến mối bất hòa và cách hành xử không đẹp của cha mẹ, nhiều trẻ em trở nên vô cảm trước cuộc sống, gây tội ác, đi tù hoặc có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống vì không cảm nhận được hơi ấm gia đình. Do đó, ghen tuông sử dụng con cái như một phương tiện là cách ghen thiếu văn hoá nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất.
Thám tử VDT st