Căn nhà buồn bị “ma ám”
Cô con gái bị ám ảnh cảnh người bố là ông Tưởng cứ suốt ngày thở dài, lê dép ra đầu làng mua chai rượu. Bữa cơm nặng trĩu, không ai nói một lời. Bà Bình – vợ ông – chan đầy nước canh vào bát, ăn vội vàng rồi đi nằm. Hai cô con gái hết nhìn bố lại cúi xuống nhìn mâm cơm lạnh ngắt. Đã hơn hai tháng qua, nhà ông Tưởng có chuyện gì đó kỳ lạ, không khí nặng nề như bị “ma ám”, chẳng ai nói với ai câu gì.
Thủy – con gái cả – nhiều lần gặng hỏi bố nhưng không ra chuyện, đành gạt nước mắt đưa em đến ký túc xá rồi phóng xe máy lên Hà Nội tìm đến văn phòng thám tử. Linh cảm nữ giới khiến cô Thủy nghi ngờ bố rơi “bẫy tình”, có vợ hai. Ở quê cô, trường hợp các ông có “tập tiếp theo” không phải là hiếm. Hai tháng trước, ông Tưởng bán gần chục con lợn nái, cầm tiền rồi lên thành phố làm gì không ai biết. Hơn chục con bò còn lại của nhà cũng bị ông dắt đi đâu mất.
Mảnh đất gần ủy ban xã ông Tưởng hứa sau này làm của hồi môn cho chàng rể nào cưới con gái ông cũng thấy có người khác đến dựng nhà. Nghe nói ông đã bán sang tay. Nhà ông rất gia trưởng, vợ con không dám hé răng nói một lời.
– Bố em có hay ra ngoài một mình không?
– Có, dạo này bố hay đi đâu từ 2 giờ chiều nhưng đến tối thì về ăn cơm với gia đình – Thủy nghẹn ngào kể lại với thám tử.
Nghi vấn lão nông hơn 70 tuổi có bồ nhí bị thám tử phân tích tạm gạt ra. Ông già còn khỏe nhưng chỉ quanh quẩn ở nhà ban đêm, ít giao du, không thậm thụt dùng điện thoại. Chi tiết này khác hẳn với các ông rơi “bẫy tình” lúc nào cũng khư khư chiếc điện thoại trong mình, rồi cài mật mã (không biết thì nhờ) chẳng cho vợ con xem…
Nắm lại các dữ liệu cô con gái cung cấp, các thám tử loại bỏ khả năng ông Tưởng có “tập hai”. Nhưng ông mang tiền đi đâu? Hay ông có nỗi khổ tâm không thể nói ra? Hoặc giả thiết khác là có người đe dọa, tống tiền ông vì một lần ông lỡ “trót dại” gì đấy?
Nhóm thám tử nhận định nhiều khả năng ông Tưởng bị ép buộc. Nếu đúng như vậy thì đây không chỉ là một cuộc theo dõi bình thường, mà còn là một vụ giải cứu. Phương án phối hợp với công an được đánh dấu đậm vào kế hoạch. Hai thám tử được cử đi “nằm vùng” ở Nam Định. Một người vào vai người bán dép cao su để dò la xung quanh, một người khác giả làm tiếp thị thức ăn chăn nuôi để tiếp cận ông Tưởng.
Thám tử Minh lân la mấy quán ghi vé số trong xã. Tuyệt nhiên không ai nhắc đến ông Tưởng. Ông không “đánh lô”, không bài bạc, tá lả gì cả. Ngày trước ông vẫn đi uống rượu nhà bạn bè trong xã. Mấy tháng nay người ta thấy ông ít ra ngoài. Khả năng ông Tưởng đem tiền đi chơi bạc, cá độ bị loại bỏ.
Một mũi thám tử khác xác minh tài khoản ngân hàng từ số chứng minh nhân dân mà con gái ông cung cấp. Ông Tưởng không có tài khoản ở ngân hàng nào. Như vậy ông cũng không vay tiền ngân hàng.
Thám tử Hùng mang một xấp tờ rơi đến nhà ông Tưởng. 9 giờ sáng, bà Bình đã ra đồng, chỉ còn mình ông Tưởng ở nhà. Hùng đến, lôi mấy gói men vi sinh, loại ủ thức ăn cho bò rồi “hót” như khướu. Ông Tưởng nghe xong chỉ thở dài.
– Khi nào tôi mua bò giống thì chú liên hệ lại với tôi.
Nhóm thám tử nhận định nhiều khả năng ông Tưởng mang tiền đi gửi đâu đó. Nhìn thái độ của ông vẫn thấy ông muốn nuôi lại đàn bò, muốn làm kinh tế. Lão nông hơn 70 tuổi sức vóc vẫn đầy hi vọng khi nghe Hùng nói đến men vi sinh, thức ăn, thành phần bổ sung cho bò nhanh lớn…
Thám tử nhìn ánh mắt u buồn, nhân trung tối của ông Tưởng để phân tích khả năng ông đang bị ép buộc vào chuyện gì đó mà chính ông không vui. Những người mới có bồ nhí thường mất tiền mà vẫn… vui hoặc coi như không có chuyện gì xảy ra vì họ nghĩ “bỏ cái này, được cái còn quý hơn”.
Rõ ràng chính ông Tưởng đang là nạn nhân, chứ không phải thủ phạm. Lão nông mang tiền đi đâu?
Bí ẩn ở sàn chứng khoán
Một buổi sáng thứ tư, ông mượn cô con gái chục triệu đồng, nói là giải quyết việc ngân hàng. Thủy mang tiền mặt đưa cho bố rồi nhắn tin cho thám tử.
Khi bà Bình đang lúi húi sau bếp thì ông dắt xe đạp, lặng lẽ mở cổng. Chiếc xe máy chở đầy dép của thám tử vượt qua ông Tưởng. Cái loa sứt mép buộc ở giỏ xe vẫn ông ổng “dép cao su đê!”. Lão nông nhìn quanh rồi rẽ xuống bờ kênh, đi tắt qua cánh đồng. Thám tử Minh gửi xe vào quán, lột chiếc áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm khác rồi lên xe máy của thám tử Hùng tiếp tục bám theo ông Tưởng.
Người đàn ông cùi cũi đạp xe hơn chục cây số, chen vào dòng xe cộ giữa thành phố Nam Định, rồi dừng lại trước cửa sàn giao dịch chứng khoán.
Thám tử Hùng ở vòng ngoài đề phòng ông Tưởng ra bất ngờ. Thám tử Minh chưa lộ mặt trà trộn vào trong đứng ngay sau lưng ông. Bảng điện tử hiện lên những đường gấp khúc loằng ngoằng. Người đàn ông mắt dính chặt vào các con số đang nhảy múa. Gần 11h giờ, chiếc bảng hiện lên toàn con số màu đỏ. Đám đông ồ lên, một thanh niên tóc vuốt keo, mặc áo thun xanh nhảy cẫng lên rồi vỗ đôm đốp vào vai ông già.
Gã thanh niên chốt lệnh trước khi bảng số chuyển sang màu đỏ. Ông Tưởng chẳng màng để ý, cúi xuống nhìn mảnh giấy trong tay, vuốt mồ hôi rồi đi đến quầy giao dịch. Lão nông đưa mảnh giấy, trao đổi với nhân viên vài câu rồi lê bước ra về.
Hình ảnh người cha già tội nghiệp được ghi lại đầy đủ và gửi cho cô con gái. Ông Tưởng về đến nhà, bà Bình và hai cô con gái đón ở cửa. Cô gái cả nghẹn ngào ôm chầm lấy cha.
– Bố đừng mua chứng khoán nữa.
Mấy tháng trước, mối quen mua lợn giống của ông Tưởng ở thành phố trúng đậm mấy vụ cổ phiếu. Một khớp lệnh thành công của họ bằng hàng năm ông lão nhà quê nuôi lợn.
Kìm lòng không đặng, ông Tưởng bán lứa lợn, có ít tiền muốn đầu tư “chơi lớn”. Ông đến đăng ký rồi mua “đại con gà” ít cổ phiếu, chờ tăng giá. Thế nhưng “mưu sự” của ông lão nhà quê không xuyên qua nổi bức màn kinh tế đầy phức tạp. Cổ phiếu ông mua toàn cho giá trị âm. Ông lỗ, sợ vợ con suy nghĩ nên giấu biệt và quyết gỡ. Về nhà ông lại bán bò, bán đất để mua tiếp cổ phiếu. Kết cục càng thảm hại hơn.
Bữa cơm chiều hôm ấy có thêm con cá rán. Bà Bình lôi trong góc buồng ra chai rượu thuốc. Hai cô con gái đưa cả chàng rể, cháu ngoại về ăn cơm với ông Tưởng. Bữa cơm ấm cúng, mấy đứa con dự định sẽ vay ngân hàng, mua cho ông Tưởng đàn lợn giống và một cặp bê.
Hai thám tử về Hà Nội, không ai nói với ai câu gì. Chính họ cũng không ngờ cơn bão chứng khoán có thể tràn về vùng quê yên bình. Dù sao ông nông dân ấy cũng còn rút chân ra được, ít nhất là trong sự yêu thương của vợ con.
Những vụ có “tập hai”, ngoại tình, nhóm thám tử phải tư vấn trước, hành động sau. Họ lường trước mọi vấn đề, chủ động khuyên giải để thân chủ giữ được hạnh phúc gia đình. Đôi khi hợp đồng thám tử bỏ dở vì một nửa sự thật được khép lại để gia đình họ cùng nhau “mở ra trang mới” sẽ tốt hơn là soi tỏ cả góc tối sự thật.
Theo nghề hơn 10 năm, thám tử Châu Loan cũng không thể ngờ những cậu học trò thư sinh hiền lành lại có “góc tối” khó tin.