Thám tử VDT – Một buổi chiều muộn, Văn phòng thám tử VDT nhận được cuộc điện thoại từ Canada với tiếng thảng thốt của người đàn bà luống tuổi. Bà tên Liễu, 68 tuổi, Việt kiều ở Canada.
Bà Liễu cho biết, sau một lần đứt mối lương duyên, năm 1985 bà đi bước nữa với ông Phong, 75 tuổi, cũng là Việt kiều tại Canada. Họ không có con chung. Bà mở tiệm chăm sóc sắc đẹp, còn ông Phong thường về Việt Nam buôn hàng thủ công mỹ nghệ, sưu tầm, nghiên cứu các sản phẩm văn hóa dân gian. Hai ông bà sống với nhau khá hòa thuận, nhưng vì công việc, vì thiếu quãng đời son trẻ bên nhau nên giữa họ cũng có những khoảng cách, những “ngăn lòng” bí mật.
Lần này, ông Phong về Việt Nam quá hẹn hai tháng, bà Liễu lại ốm. Công việc gác lại, thui thủi ở nhà một mình, thấm thía nỗi cô đơn, trống vắng, hơn lúc nào hết, bà thấy cần chồng có mặt. Nhưng bà không biết ông sống ở những địa chỉ nào, với ai và làm gì? Dù vài ngày, ông vẫn gọi điện về một lần. Những câu chuyện quen thuộc, có giới hạn và đầy tính “thủ tục” ấy chỉ chứng tỏ rằng không có gì thay đổi giữa cuộc sống hai người. Bà muốn nhờ các thám tử cho bà biết ông Phong đang sống ở đâu tại Việt Nam, làm gì và với ai, vì bà linh cảm việc ông trễ hẹn không đơn thuần vì công việc.
Thông tin về ông Phong từ bà Liễu cung cấp cho các thám tử chỉ là số điện thoại di động và một tấm ảnh. Một “kịch bản” được dựng ra: bà Liễu gọi cho chồng nói có người bạn ở Hải Phòng gửi bà món quà. Người đó sẽ chuyển quà cho ông.
Đến điểm hẹn, ông Phong ăn mặc khá trẻ trung với quần bò tối màu, áo sơ mi dài tay, giày thể thao bước từ taxi xuống. Thám tử Nam lúc này ngồi chờ sẵn trong quán cà phê, gửi cho ông Phong một túi quà, còn một nhóm thám tử thì bí mật theo dõi. Ông khá trẻ so với trong ảnh. Cuộc gặp kết thúc sau 20 phút nói chuyện, ông Phong bắt taxi về. Theo chân ông Phong, các thám tử về khu tập thể Vạn Mỹ (thuộc quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Ông leo lên tầng 2 và gõ cửa một căn phòng rồi bước vào. Đến 23h, căn phòng tắt điện, cả khu tập thể chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau là chủ nhật, ông Phong mặc quần áo ở nhà, dắt xe đạp mini màu mận chín và đi ra một mình. Ông mua cá, thịt, nước ngọt, rau dưa… về làm bữa cơm và nghỉ trưa ở đây. Chiều, từ ngôi nhà đó xuất hiện một cô gái chừng 20 tuổi, cũng đi chiếc xe đạp ông Phong dùng buổi sáng. Cô gái đến một hiệu may khá lớn trên phố Lạch Tray rồi mở tủ, sắp xếp lại vải, kéo và trò chuyện với mọi người khoảng nửa tiếng thì lại lấy xe đi tới ngôi nhà trong một ngõ ở phố Nguyễn Đức Cảnh vài phút rồi về. Tất cả được ghi vào nhật ký thám tử…
Bà Liễu cho biết, người ở ngôi nhà trong khu tập thể Vạn Mỹ bà chưa nghe thấy chồng nói đến bao giờ. Lục tìm trí nhớ, bà cũng không thể nghĩ ra mình hay gia đình nhà chồng có ai sinh sống ở đấy, nhất là cô gái trẻ. Vậy phía sau cánh cửa ngôi nhà đó là những ai, ông Phong có quan hệ gì và ông đến đó để làm gì?
Chiều muộn hôm đó, ông Phong cùng cô gái ra ngoài. Thái độ, cử chỉ hai người rất bình thường, không thể hiện rõ là mối quan hệ theo chiều hướng gì. Một nam thám tử tiến thẳng lên phòng của họ. Cửa khóa trái. Thám tử hỏi nhà bên: “Tôi nghe trên báo quảng cáo căn hộ này cho thuê. Xin bác cho hỏi chủ nhà?”. “Đây đang có người thuê. Họ đi vắng. Chủ nhà ở số 405, tầng 4, tên Thắng”.
Thám tử gõ cửa căn hộ 405. Người đàn ông cau có trả lời cộc lốc: “Nhầm rồi. Nhà này không bán cũng không đổi người thuê”. Thám tử lui bước và tính phương án khác, vẫn tiếp tục khai thác thông tin về cô gái và ông Phong từ chủ nhà, nhưng phải thông qua vợ hoặc con ông Thắng.
Chờ lúc ông Thắng ra khỏi nhà, một thám tử gõ cửa lần thứ hai. Con gái ông Thắng mở cửa. Thám tử lên tiếng:
– Mẹ em có hẹn anh hôm nay lên xem nhà.
– Chắc mẹ em nhầm. Hợp đồng cũ còn gần một năm cơ mà – cô gái ngạc nhiên.
– Anh biết. Nhưng nhà anh rất đông người, nhà thuê cũ họ bán bất ngờ. Anh rất cần một căn hộ như của nhà em. Em dẫn anh lên giới thiệu với người ta để anh thương lượng. Anh có thể đền bù và chỉ cho họ căn nhà khác phù hợp hơn. Anh sẽ trả gấp rưỡi số tiền nhà em đang cho thuê. Mẹ em nói nếu thuyết phục được họ thì mẹ đồng ý mà.
Nhờ “câu chuyện hợp lý” này nên thám tử Phú được mời vào nhà. Sau một hồi trò chuyện, biết người thuê nhà là cô Hạnh, chứng minh thư do CA Thái Bình cấp. Hạnh ở một mình, làm thợ may và theo lời cô nói thì thỉnh thoảng bố cô ở miền Nam ra thăm. Con gái ông Thắng đồng ý chiều mai đưa thám tử Phú đến lên thương lượng với Hạnh.
Những thông tin trên được gửi đến cho bà Liễu. Bà sốc và vô cùng đau khổ vì nghĩ mình đã bị chồng phụ bạc. Trước khi lấy nhau, ông Phong tâm sự đã có vài mối tình nhưng chưa cưới ai và chưa có con bao giờ. Bà tin ông. Nếu người con gái kia là con ông Phong, như vậy mối tình của ông Phong đã sinh trước ngày ông cưới bà. Còn nếu cô gái kia là bồ nhí thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều… Bà Liễu yêu cầu các thám tử cần phải xác minh càng sớm càng tốt về nhân thân của Hạnh.
Lựa khi ông Phong dắt xe đi, thám tử Phú nhờ con gái ông Thắng đưa lên nhà Hạnh. Căn hộ có hai phòng, hai giường và mỗi giường đều có chăn màn riêng. Đồ đạc trong phòng khá đơn sơ. Hạnh nhã nhặn nói: Bố em thường ra thăm nên cần nhà rộng. Nhà ở quen rồi không muốn chuyển và em cũng có ý sẽ mua căn nhà này…
Các thám tử không thể khai thác được gì hơn ở Hạnh, nhưng cũng chưa thể kết luận được mối quan hệ chính thức giữa cô gái và ông Phong vì Hạnh sống khá kín đáo. Hàng xóm không ai biết gì nhiều về người đàn ông thỉnh thoảng xuất hiện trong nhà Hạnh ngoài lời giới thiệu đó là bố đẻ của cô. Bà Liễu càng sốt ruột vì càng nghĩ càng thấy chồng có dấu hiệu bất thường. Bà quyết định bay về Việt Nam và yêu cầu các thám tử lập tức đưa bà đến gặp cả hai người ngay tại ngôi nhà kia để “ba mặt một lời”.
Bà Liễu xuất hiện khi cả ông Phong và Hạnh đang ngồi ăn cơm trong phòng. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã diễn ra êm thấm, khi ông Phong kể toàn bộ sự thật cho bà Liễu nghe: Trước đây, ông có yêu một người tên Phương, nhưng sau khi ông sang nước ngoài thì mất liên lạc. Cách đây 2 năm, trước khi bà Phương mất vì một căn bệnh hiểm nghèo, bà có nhờ một người bạn gọi cho ông Phong và cho biết ông có một cô con gái, kết quả tình yêu của hai người mà bao nhiêu năm qua, biết ông đã có gia đình nên bà giấu kín, lặng lẽ nuôi con một mình.
Ông Phong biết chuyện nhưng không muốn bà Liễu đau buồn, phải suy nghĩ nên ông cũng nấn ná chưa muốn nói cho vợ. Nhưng ông cũng không thể để con gái bơ vơ không cha, không mẹ nên thường xuyên lấy lý do công việc để về Việt Nam bù đắp cho Hạnh.
Trong hàng trăm vụ người vợ yêu cầu tìm hiểu thông tin về người chồng bỗng dưng “hay đi công tác” thì đây là một câu chuyện khiến các thám tử thấy nhẹ lòng vì có kết cục tốt đẹp. Giờ đây, khi mọi chuyện đã rõ, bà Liễu không những không trách ông Phong mà còn dang rộng vòng tay với Hạnh, bà cho biết sẽ đưa Hạnh sang Canada định cư với ông bà để cả gia đình sum họp.
(Còn nữa)
Phương Thảo