Một lần lên mạng, Phạm Châu Loan tình cờ đọc được dòng thông tin đăng tuyển thám tử. Muốn thử sức trong một công việc mới lạ, Loan nộp đơn xin việc vào công ty thám tử VDT. Thời điểm đó, năm 2005, VDT là công ty thám tử thứ 2 tại Việt Nam. Không ai nghĩ, cô gái có dáng dấp nhỏ bé ấy có thể trở thành một thám tử tư.
Mọi người trong nhà chỉ biết Châu Loan đang làm cho một công ty chuyên cung cấp thông tin. Vì sự đặc thù của công việc, cô buộc phải hóa thân thành đủ thành phần, lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm. Khi thì Loan là nhân viên kinh doanh, lúc lại là người lao động phổ thông, thậm chí phải cải trang thành cô gái lẳng lơ chốn vũ trường để theo sát đối tượng mà cô được phân công theo dõi.
Hai giờ sáng, khi Loan đang yên giấc sau một ngày làm việc căng thẳng thì điện thoại bỗng reo inh ỏi. Cấp trên yêu cầu cô đi xử lý một vụ việc ở tỉnh xa. Chuyến đi này, Loan đi cùng 2 đồng nghiệp nữa, nhưng vì vụ việc khá phức tạp và Loan là lính mới, chưa có kinh nghiệm nên cấp trên cử thám tử Đỗ Ngọc Anh xuống tận nơi hướng dẫn.
Đêm khuya thanh vắng, tiếng côn trùng ri rỉ, Loan run lên vì lo sợ. Tuy nhiên, chính sự tận tình, thông minh, giàu kinh nghiệm đặc biệt là sự cởi mở, không phân biệt sếp với nhân viên của Ngọc Anh đã khiến Loan lấy lại sự tự tin. Với Ngọc Anh, khi đó Loan “là một cô bé hiền lành, ít va chạm nhưng lại yêu công việc, làm gì cũng hết mình”.
Sherlock Holmes thời nay
Một ngày đầu thu, người phụ nữ trung niên gõ cửa văn phòng Thám tử VDT. Khóe mắt còn đầy nước trên khuôn mặt, chị kể, ông Trịnh, chồng chị là Tổng giám đốc một tập đoạn khai khoáng. Nhân một lần lên Yên Bái công tác, sau khi xong việc, cậu lái xe xin về thăm nhà. Ông đồng ý. Hôm ấy, giám đốc chi nhánh mời cơm và ông Trịnh theo đám thanh niên đi hát hò. Tan cuộc rượu, ông Trịnh về phòng nghỉ và khi tỉnh dậy đã thấy cô bé đêm qua ngồi cùng trong phòng karaoke nằm bên cạnh. Hai tháng sau, cô gái gửi cho ông giấy khám thai. Nghĩ nếu mọi chuyện bại lộ, ông sẽ mất hết. Vì thế, đều đặn mỗi tháng, ông đều gửi về miền ngược cho cô gái 10 triệu đồng tiền dưỡng thai. Hôm cô ta sinh nở, lấy lí do đi công tác, ông Trịnh về Yên Bái thăm cô. Đến lúc này, chuyện mới phức tạp khi cô gái yêu cầu ông phải công khai nhận con và thu xếp cho hai mẹ con một danh phận chính thức. Không thể trốn tránh được nữa, ông Trịnh thú nhận tất cả với vợ. Thương chồng, chị đã lên Yên Bái gặp cô gái kia để dàn xếp, nhưng cô gái không đổi ý. Chị đành tìm đến văn phòng thám tử với mong muốn tìm ra chân tướng sự thật, xem đứa bé kia có phải giọt máu rơi của chồng hay không?
Theo phán đoán của các thám tử, đây có vẻ là màn kịch để đối phương tống tiền gia đình ông Trịnh, phải tiến hành lấy mẫu AND của đứa bé để giám định, sau đó tùy kết quả mà hành động.Tuy nhiên, lấy được AND của đứa bé là chuyện không đơn giản, mặc dù mẫu bệnh phẩm chỉ là cọng tóc, mảnh móng tay. Hiếm có vụ nào mà công ty phải họp nhóm đến hai lần như thế, bởi yêu cầu phải chắc thắng ngay lần đầu ra quân, vì nếu thất bại thì khó có điều kiện tiếp cận lại gia đình đứa bé. Rời quốc lộ, xe rẽ hướng Mù Căng Chải. Chiếc xe gần như đánh lộn với con đường đang nâng cấp, lại phải chống chọi với cơn bão vừa qua.
Trong vai các cán bộ thuộc Đoàn khảo sát môi trường và điều kiện sống, các thám tử tiếp cận gia đình đối tượng. Thám tử Ngọc Anh, người giàu kinh nghiệm nhất đóng vai trưởng đoàn, trực tiếp trao đổi, phỏng vấn đối tượng. Còn Châu Loan lân la ngồi cạnh góp chuyện. Ngoài sân, một nữ thám tử khác nhờ bà cháu bé dẫn đi lấy mẫu đất và mẫu nước sinh hoạt. Lúc này, nhiệm vụ khó khăn nhất là làm sao đánh lạc hướng người mẹ và tiếp cận được với đứa trẻ. Châu Loan đến gần, khen cháu bé ngoan và bụ bẫm, rồi tâm sự: “Em cũng mới lập gia đình, thích trẻ con lắm nhưng chưa có điều kiện nên đang hoãn chị ạ. Ước gì sau này em được cu con kháu khỉnh như chị. Cháu bụ bẫm, chứng tỏ chị chăm con khéo quá”.
Câu chuyện cởi mở nên người mẹ trẻ cũng không nghi ngờ và trao con cho Loan bồng bế. Vừa bế, Loan vừa nựng nịu rất tự nhiên: “ Ô! Con muốn mẹ cho măm hay sao mà cái miệng cứ chóp chép thế kia? Dãi chảy ra rồi, để cô lau cho nhé”. Và rất thoải mái, Loan liến lấy khăn lau miệng cho cháu bé, thấm được càng nhiều nước bọt càng tốt. Ngay sau đó, một người hàng xóm sang chơi. Người mẹ vừa hoàn thành bảng hỏi, Loan đưa trả cháu bé cho mẹ. Cô cười tươi rói, còn thám tử Ngọc Anh cũng chỉ chờ có thế.
Khi Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an trả kết quả phân tích, đối chiếu mẫu AND, kết luận cháu bé và ông Trịnh không cũng huyết thống, niềm vui của cả ê- kíp như nhân lên. Riêng Loan, cô cảm thấy hiểu và thương hơn những nhọc nhằn, căng thẳng của Ngọc Anh trong mỗi chuyến đi. Tình cảm cứ lớn dần qua những buổi tác nghiệp cùng nhau và những cuộc liên hoan cùng công ty. Cho đến một ngày, bất ngờ cô nhận được tin nhắn tỏ tình của anh: “Em đồng ý làm bạn gái anh nhé”. Ngắn gọn, không cầu kỳ hao và nến nhưng khiến Loan vô cùng xúc động.
“Yêu một thám tử đồng nghĩa với việc ít có thời gian riêng tư. Mỗi lần gặp nhau, bọn mình thường bàn về một vụ việc khó đang thực hiện và cùng nhau đưa ra hướng giải quyết, cách phán đoán tình hình”, Loan kể.
Món quà lớn sau vành mũ thám tử
Cùng nghề, biết rõ phải đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy, nhiều khi chính Loan cũng cảm thấy lo lắng, nhất là khi Ngọc Anh tác nghiệp những vụ việc mang tính chất phức tạp. Đôi khi họ chấp nhận một cách hài hước, lạc quan rằng “đi làm với nhau cũng là được ở bên nhau rồi”. Chính vì thế, người ngoài nhìn vào câu chuyện tình yêu của họ mà cảm giác như đang xem một bộ phim trinh thám.
Nhớ có lần đang trên đường theo dõi thì đối tượng tạt vào quán ăn, vậy là cả hai cũng phải đi vào ăn. Xui xẻo hôm đó, Loan gặp đúng mấy người bạn. Họ nhiệt tình mời cả hai cùng nhập cuộc nhưng Loan nằng nặc từ chối vì sợ mất dấu đối tượng.
Yêu nhua bốn năm, năm 2009, họ quyết định tổ chức đám cưới. Đó cũng là chừng ấy thời gian để gia đình Loan hiểu về anh cũng như công việc anh đang làm. Hai vợ chồng cô chuyển công tác từ Hà Nội vào Sài Gòn từ năm 2012, lúc đó bé trai Đỗ Ngọc Bảo đã được 2,5 tuổi. Cuộc sống mới tại một thành phố mới, không người thân thích, Ngọc Anh trở thành chỗ dựa duy nhất cho hai mẹ con Châu Loan. Bận bịu, đi đêm về hôm nhưng hễ có thời gian rảnh là anh lại giúp vợ làm việc nhà, chăm con, nhất là khi cậu con trai thứ hai Đỗ Ngọc Khôi ra đời.
Thương vợ vất vả, có lúc Ngọc Anh khuyên cô tìm công việc khác hoặc tạm thời ở nhà chăm con. Loan cho rằng mình phải cảm ơn nghề thám tử, bởi đam mê với nghề đã khiến Loan cảm thấy được nhiều hơn mất. Công việc rèn cho cô đức tính kiên trì, gặp khó không nản, sống trưởng thành và có trách nhiệm, giúp cô phán đoán về cuộc sống của mình tốt hơn. Điều quan trọng hơn cả, nghề thám tử giúp cô tìm thấy anh. Tình yêu của anh, hạnh phúc vì sự có mặt của hai thiên thần nhỏ, Châu Loan bảo đó là quả ngọt, món quà quý giá nhất mà cô nhận được sau mười năm theo đuổi công việc đặc biệt này.